Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2008

CHƯƠNG XII VẤN ĐỀ NGUỒN LỰC CON NGƯỜI TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG

CHƯƠNG XII

VẤN ĐỀ NGUỒN LỰC CON NGƯỜI TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG
CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Xin chào anh/chị học viên !

Rất hân hạnh được gặp lại anh/chị trong bài 12. Chúng tôi hy vọng anh/ chị đã nắm vững những kiến thức của bài 11 và đã sẵn sàng để chuyển sang học bài 12.

Bài này sẽ giới thiệu với anh/chị những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về con người và những lý luận cơ bản về nguồn lực con người trong phát triển xã hội, từ đó làm rõ thực trạng và phương hướng để xây dựng nguồn lực con người Việt Nam hiện nay.

Bài gồm 3 phần chính:

- Quan niệm của chủ nghĩa Mác-Lênin về con người và bản chất con người.

- Nguồn lực con người và vai trò của nó trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội

- Phát huy nguồn lực con người Việt Nam

Mục tiêu chung:

Sau khi học xong chương này, anh/chị cần hiểu trong số các nguồn lực tạo ra sự phát triển thì nguồn lực con người là nguồn lực có ý nghĩa quyết định nhất. Vì vậy, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao hiện đang được coi là hướng ưu tiên của nhiều quốc gia nhằm tạo ra một sự phát triển nhanh chóng và bền vững.

Mục tiêu cụ thể:

Anh/chị cần nắm vững:

- Những quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về bản chất con người và con người xã hội chủ nghĩa.

- Vai trò của nguồn lực con người trong quá trình phát triển.

- Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của xã hội và của chính bạn về những phương hướng cơ bản nhằm phát huy nguồn lực con người một cách có hiệu quả trong quá trình lao động sản xuất.

Thời gian dành cho bài này là 120 phút.

Chúc anh/chị đạt kết quả tốt!

PHẦN 1: QUAN NIỆM CỦA CHỦ NGHĨA MÁC-LÊNIN VỀ CON NGƯỜI VÀ CON NGƯỜI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

GIỚI THIỆU

Phần này giới thiệu với anh/chị những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về con người và bản chất con người.

Sau khi hoàn thành phần này, anh/chị sẽ có thể hiểu rõ:

- Con người là một thực thể tự nhiên - xã hội

- Bản chất xã hội của con người

- Những tiêu chí của con người xã hội chủ nghĩa.

Hy vọng anh/chị sẽ hoàn thành phần này trong vòng 30 phút.

NỘI DUNG

1.1. Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về con người và bản chất con người

* Về con người và bản chất con người:

- Trước hết, C.Mác khẳng định: con người có mặt sinh học, mặt tự nhiên. Khi nghiên cứu con người, C.Mác đã đặt con người trong quá trình hoạt động thực tiễn và trong môi trường sống của nó, vì vậy, C.Mác đã đạt được những kiến giải khoa học về con người. Theo Mác, con người trước hết là một thực thể tự nhiên, một cấu trúc sinh học nên con người cũng có những hành vi có tính bản năng (như ăn, ngủ, có những hành vi để duy trì giống nòi...). Nhưng ngay cả những hành vi này ở con người đã đạt ở trình độ cao hơn hẳn những hành vi bản năng của các loài động vật và đã bị chi phối bởi yếu tố xã hội. Ví dụ, trong cuộc sống hàng ngày, trong rất nhiều trường hợp, chúng ta rất đói, rất khát. Mặc dù thức ăn, nước uống bày sẵn trước mặt, ta cũng không thể thực hiện hành vi bản năng ngay lúc đó được. Sở dĩ như vậy vì con người còn bị ràng buộc bởi những quan hệ xã hội.

- Con người không chỉ là một thực thể tự nhiên mà còn là một thực thể xã hội, mang bản chất xã hội. Bản chất xã hội của con người được biểu hiện qua các mối quan hệ xã hội của con người. Trong các mối quan hệ xã hội ấy, con người mang tính giai cấp, tính dân tộc, tính nhân loại, tính lịch sử và tính thời đại. Khẳng định bản chất xã hội của con người C.Mác viết: “Bản chất con người không phải là một cái gì trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội”.

Tóm lại, con người có mặt tự nhiên và mặt xã hội. Hai mặt này gắn kết chặt chẽ với nhau không tách rời để tạo nên một nhân cách phát triển toàn diện - hài hoà. Vì vậy, không thể xem nhẹ hay tuyệt đối hoá bất kỳ mặt nào trong con người.

1.2. Quan niệm về con người xã hội chủ nghĩa

- Con người xã hội chủ nghĩa bao gồm cả những con người từ xã hội cũ để lại và cả những con người sinh ra trong xã hội mới, song phải có quá trình cải tạo, rèn luyện chính bản thân để phát huy những mặt tốt và khắc phục những hạn chế, thiếu sót của bản thân.

- Con người xã hội chủ nghĩa vừa là chủ thể của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, vừa là sản phẩm của quá trình đó.

- Đặc trưng của con người xã hội chủ nghĩa:

+ Có ý thức, có trình độ và năng lực làm chủ;

+ Có tri thức và kỹ năng lao động, có ý thức tổ chức kỷ luật cao và tinh thần hợp tác với đồng nghiệp;

+ Có lối sống văn hoá, tình nghĩa với anh em, bạn bè, với mọi người xung quanh;

+ Có thể lực và sức khoẻ tốt;

+ Giàu lòng yêu nước, thương dân, có tình thương yêu giai cấp, thương yêu đồng loại;

+ Dám đấu tranh cho lẽ phải và bảo vệ những thành quả cách mạng của dân tộc.

Tóm lại, con người có mặt tự nhiên và mặt xã hội. Hai mặt này gắn kết chặt chẽ với nhau không tách rời để tạo nên một nhân cách phát triển toàn diện - hài hoà. Vì vậy, không thể xem nhẹ hay tuyệt đối hoá bất kỳ mặt nào trong con người.

Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội phải phát triển nguồn lực con người theo những tiêu chí nêu trên. Vì vậy, Hồ Chí Minh nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”.

BÀI TẬP

Anh/chị hãy khoanh vào phương án trả lời đúng:

1. Chỉ ra câu nói đúng và đầy đủ của C.Mác khi ông bàn về bản chất con người:

a) Bản chất con người không phải là cái gì trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt.

b) Bản chất con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội.

c) Bản chất con người không phải là cái gì trừu tượng cố hữu của cá nhân riêng biệt. Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những mối quan hệ xã hội.

d) Cả a, b và c

2. Con người là:

a) Một thực thể tự nhiên

b) Một thực thể “song trùng” bao gồm hai mặt tự nhiên và xã hội.

c) Một thực thể xã hội

2. Bản chất xã hội của con người được biểu hiện chủ yếu:

a) Trong xã hội có giai cấp, con người mang tính giai cấp.

b) Con người mang tính dân tộc

c) Con người mang tính nhân loại.

d) Con người mang tính lịch sử và tính thời đại.

e) Cả a, b, c, d.

PHẦN 2: NGUỒN LỰC CON NGƯỜI TRONG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN XÃ HỘI

GIỚI THIỆU

Phần này sẽ giới thiệu với anh/chị về khái niệm nguồn lực con người; những yếu tố cấu thành nguồn lực con người và vai trò của nó đối với sự phát triển xã hội.

Hy vọng anh/chị sẽ hoàn thành phần này trong vòng 45 phút.

2.1. Khái niệm và các yếu tố cấu thành nguồn lực con người

- Nguồn lực con người là tổng thể những tiềm năng, những năng lực của mỗi cá nhân và cộng đồng đã, đang và sẽ tạo ra sức mạnh để thúc đẩy xã hội phát triển.

- Nguồn lực con người bao gồm cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.

Số lượng nguồn nhân lực được xác định trên quy mô dân số, cơ cấu độ tuổi, giới tính, sự phân bố dân cư.

Chất lượng nguồn nhân lực được cấu thành từ các yếu tố như: thể lực, trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng và kỷ luật lao động, tư tưởng, tình cảm, lối sống, bản lĩnh chính trị, v.v. Trong số các yếu tố trên thì phẩm chất đạo đức và trí tuệ là quan trọng nhất.

2.2. Vai trò của nguồn lực con người

- Chủ nghĩa Mác-Lênin đã nêu ra nhiều luận điểm khẳng định vai trò to lớn của con người đối với sự phát triển xã hội cho rằng: con người vừa là sản phẩm của tự nhiên, của xã hội vừa là chủ thể tích cực cải biến tự nhiên và xã hội; con người là yếu tố quan trọng nhất trong lực lượng sản xuất.

- Kế thừa chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có những con người xã hội chủ nghĩa"; “Trong bầu trời không gì quí bằng nhân dân”; “Vì lợi ích 10 năm thì phải trồng cây, vì lợi ích 100 năm thì phải trồng người”.

- Đánh giá vai trò của nguồn lực con người, Đảng cộng sản Việt Nam chỉ rõ: con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội; trong số các nguồn lực của phát triển, nguồn lực con người là quí giá nhất. Điểm mới trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X là nhấn mạnh sự cần thiết phải tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu của quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với kinh tế tri thức. Nguồn nhân lực chất lượng cao là nguồn nhân lực được đào tạo chuyên môn kỹ thuật, được trang bị tri thức khoa học; có phẩm chất tốt; có khả năng vận dụng sáng tạo những tri thức, những kỹ năng đã được trang bị vào quá trình lao động sản xuất nhằm đạt chất lượng và hiệu quả cao.

- Vai trò của nguồn lực con người được thể hiện rõ nét khi chúng ta đặt nó trong mối quan hệ với các nguồn lực khác. Cụ thể là, các nguồn lực khác (như nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn...) rất cần cho phát triển. Song các nguồn lực này tự nó không phát huy tác dụng và nó sẽ cạn kiệt dần trong quá trình khai thác và sử dụng. Trong khi đó, nguồn lực con người là chủ thể khơi dậy tác dụng của các nguồn lực tự nhiên và bản thân nó có khả năng phục hồi, tái sinh, phát triển trong quá trình khai thác và sử dụng do chúng ta phải thường xuyên trau dồi tri thức, bồi dưỡng nó.

Mặt khác, bằng năng lực sáng tạo của mình, con người còn có khả năng sáng tạo ra những năng lượng mới, những nguyên liệu mới vốn không có sẵn trong tự nhiên để bù đắp những thiếu hụt của tự nhiên và để nâng cao chất lượng sống của con người (Ví dụ: Nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới do con người nghiên cứu sáng tạo ra đã được ứng dụng vào sản xuất cho năng suất cao, hiệu quả tốt...).

Tóm lại, trong số các nguồn lực của phát triển thì nguồn lực con người là quan trọng nhất và là nguồn lực quyết định sự phát triển xã hội.

BÀI TẬP

Anh/chị hãy khoanh vào phương án trả lời đúng

1. Trong số các nguồn lực của phát triển, nguồn lực nào là quan trọng nhất ?

a. Nguồn tài nguyên thiên nhiên.

b. Nguồn vốn (tài chính).

c. Nguồn lực khoa học - kỹ thuật.

d. Nguồn lực con người.

2. Theo quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin:

a. Con người là sản phẩm của hoàn cảnh tự nhiên

b. Con người là sản phẩm hoàn cảnh xã hội

c. Con người vừa là sản phẩm của tự nhiên vừa là sản phẩm của xã hội, đồng thời là chủ thể tích cực cải tạo tự nhiên và xã hội.

3. Câu nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết phải có những con người xã hội chủ nghĩa” là của ai ?

a. C.Mác

b. Ph.ăngghen

c. V.I.Lênin

d. Hồ Chí Minh

PHẦN 3: PHÁT HUY NGUỒN LỰC CON NGƯỜI Ở VIỆT NAM

GIỚI THIỆU

Phần này giới thiệu với anh/chị nguồn lực con người Việt Nam hiện nay và thực trạng việc phát huy nguồn lực con người Việt Nam những năm qua. Từ đó, xây dựng một hệ thống các giải pháp nhằm phát huy có hiệu quả nguồn lực con người Việt Nam trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Anh/chị có thể hoàn thành phần này trong vòng 45 phút.

3.1. Thực trạng nguồn lực con người Việt Nam hiện nay

Theo thống kê quốc gia, tính đến năm 2006, dân số Việt Nam là 84 triệu người, trong đó, dân số thành thị chiếm 25,8%; dân số nông thôn là 74,2%; Nam giới chiếm 49%, nữ giới chiếm 51%. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam (GDP) đạt khoảng: 700 USD/người/năm. Theo báo cáo của Liên hiệp quốc năm 2005, chỉ số phát triển con người (HDI) Việt Nam xếp thứ 109/177 nước; chỉ số phát triển giới (GDI) - đo mức độ bình đẳng giữa nam và nữ trong một quốc gia, Việt Nam xếp thứ 80/130 nước.

* Về mặt mạnh của nguồn nhân lực Việt Nam :

- Dân số tham gia lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đông. Điều này cho thấy nguồn lao động của Việt Nam khá dồi dào (năm 2006, dân số trong độ tuổi lao động chiếm 64,5%).

- Cơ cấu dân cư trẻ: số người dưới độ tuổi lao động chiếm khoảng 25,5%; trong độ tuổi lao động chiếm 64,5%; trên độ tuổi lao động chiếm 10%.

- Người Việt Nam có truyền thống yêu nước, đoàn kết, gắn bó; cần cù chịu khó; thông minh sáng tạo. Những giá trị này đã và đang tạo ra sức mạnh tổng hợp để người Việt Nam có thể vượt qua mọi khó khăn thử thách trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc cũng như trong quá trình xây dựng đất nước.

- Trình độ dân trí của Việt Nam đạt khá cao so với nhiều nước trong khu vực (tỉ lệ người lớn biết chữ đạt 95%; số lớp học trung bình là lớp 7; tỉ lệ nhập trường của học sinh cấp 3 liên tục tăng).

- Người Việt Nam có khả năng nắm bắt và ứng dụng nhanh khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất, có khả năng thích ứng nhanh với hoàn cảnh mới, phức tạp.

* Những hạn chế của nguồn lực con người Việt Nam :

- Trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp (tính đến năm 2005, lao động qua đào tạo nghề của nước ta chỉ đạt 25%; lao động trong nông nghiệp được đào tạo nghề chỉ đạt 11%). Đây là một trở ngại lớn cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

- Văn hoá, kỷ luật lao động công nghiệp còn hạn chế; mức sống thấp, thể lực nhỏ bé, sức khoẻ yếu.

- Về tư tưởng và tâm lý: chịu ảnh hưởng lớn của tư tưởng, tâm lý của người sản xuất nhỏ tiểu nông (biểu hiện: trọng danh vị, ngôi thứ, gia trưởng, bảo thủ, độc đoán, trì trệ, níu kéo lẫn nhau; trọng lệ hơn luật; trọng kinh nghiệm hơn cơ sở khoa học...) nên nó cản trở tính năng động, sáng tạo của con người.

- Do chịu tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường và kinh tế mở, nên nhiều thói hư, tật xấu có chiều hướng phát triển như lối sống thực dụng, cá nhân ích kỷ, chạy theo đồng tiền, coi thường những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

3.2. Thực trạng phát huy nguồn lực con người Việt Nam

* Những kết quả đạt được:

Từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945, từ thân phận người nô lệ, người Việt Nam đã trở thành người làm chủ đất nước và đang từng bước phấn đấu xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội, công bằng, dân chủ, văn minh.

Sau 20 năm đổi mới đất nước, kinh tế - xã hội đã phát triển khá và tạo ra những điều kiện kinh tế - xã hội cần thiết cho sự phát triển và phát huy nguồn lực con người một cách có hiệu quả.

Với chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, chất lượng nguồn lực con người Việt Nam đang từng bước được nâng cao; một đội ngũ trí thức đông đảo ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng (hiện nay, đội ngũ trí thức nước ta có khoảng 1,5 triệu người).

Vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được quan tâm. Phần lớn người Việt Nam tin tưởng vào con đường cách mạng mà chúng ta đã lựa chọn - đó là con đường: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

*Những hạn chế trong việc phát huy nguồn lực con người Việt Nam:

Trước thời kỳ đổi mới đất nước, đã có lúc chúng ta xem nhẹ mặt cá nhân và tuyệt đối hoá mặt xã hội trong con người nên đã quan tâm chưa đúng mức đến đời sống vật chất, đến lợi ích của người lao động, do đó không khơi dậy được tiềm năng sáng tạo của nguồn lực con người nước ta.

Tình trạng quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu quần chúng, vi phạm dân chủ vẫn diễn ra làm biến dạng con người về nhân cách, về lối sống, đồng thời làm suy giảm lòng tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Trong giáo dục, đào tạo, nội dung và phương pháp giáo dục chưa phù hợp nên chưa kích thích và chưa khơi dậy được tính chủ động, sáng tạo của con người; Chiến lược phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển nhân tài cho đất nước chưa được coi trọng và đầu tư thoả đáng. Do vậy, việc phát triển và phát huy nguồn lực con người vào quá trình lao động sản xuất còn bị hạn chế.

3.3. Phương hướng và giải pháp cơ bản phát huy nguồn lực con người Việt Nam

3.3.1 Những phương hướng cơ bản

- Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế đất nước để tạo ra cơ sở vật chất cần thiết cho sự phát triển của con người Việt Nam .

- Xây dựng và từng bước hoàn chỉnh hệ thống chính sách xã hội phù hợp để đảm bảo những nhu cầu vật chất và tinh thần của con người như chính sách việc làm, chính sách tiền lương, khen thưởng, đãi ngộ, sử dụng, đào tạo...

- Từng bước xây dựng và không ngừng hoàn thiện cơ chế quản lý của chế độ xã hội chủ nghĩa để tạo điều kiện cho người lao động tham gia tích cực vào quản lý xã hội, quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế.

- Thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng và văn hoá nhằm trang bị lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho quần chúng nhân dân; phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

3.3.2 Những giải pháp chủ yếu phát huy nguồn lực con người Việt Nam

* Nhóm giải pháp kinh tế:

Phát triển kinh tế thị trường, kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa để gắn người lao động với tư liệu sản xuất, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập, khuyến khích làm giàu chính đáng và phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người lao động trong các thành phần kinh tế.

* Nhóm giải pháp chính trị:

Nâng cao trình độ nhận thức chính trị cho cán bộ, đảng viên và cho người lao động; tăng cường vai trò kiểm tra giám sát của quần chúng trong các hoạt động của bộ máy nhà nước; Đảm bảo giữ vững sự ổn định chính trị và tạo ra môi trường dân chủ lành mạnh để tạo động lực kích thích tính năng động, sáng tạo của con người; Giáo dục tinh thần yêu nước, nâng cao ý thức tự cường dân tộc, trách nhiệm công dân và bản lĩnh chính trị của mỗi người dân; Đấu tranh chống lại những hiện tượng tiêu cực, vị phạm dân chủ, làm biến dạng con người.

* Nhóm giải pháp xã hội:

Thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với người lao động như chính sách việc làm, tiền lương, khen thưởng, đãi ngộ, bảo hiểm xã hội, y tế; chăm sóc sức khoẻ cộng đồng v.v..

* Nhóm giải pháp giáo dục và đào tạo:

Đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục cho phù hợp theo hướng kích thích được tính sáng tạo, sự say mê nghiên cứu khoa học của người học. Tiếp tục thực hiện nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

* Nhóm giải pháp tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật:

Đẩy mạnh cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng, phê phán những tư tưởng phản động đòi phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; Tăng cường công tác quản lý trong hoạt động văn học nghệ thuật; phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tiếp thu những tinh hoa của nhân loại và thời đại; đấu tranh chống những luồng văn hóa độc hại phản động.

Tóm lại, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với kinh tế tri thức và đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa, trong những năm tới chúng ta phải tập trung sức phát triển nguồn lực con người Việt Nam , đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Để đạt được mục tiêu này phải đồng thời thực hiện đồng bộ các phương hướng và giải pháp phát huy nguồn lực con người.

BÀI TẬP

Anh/ chị hãy khoanh vào phương án đúng trong các câu sau đây:

1. Mặt mạnh của nguồn nhân lực Việt Nam là:

a) Số lượng đông

b) Dân cư tập trung chủ yếu ở nông thôn và trong nông nghiệp.

c) Có tác phong lao động công nghiệp.

d) Cơ cấu dân cư trẻ

2. Phát triển kinh tế thị trường, kinh tế nhiều thành phần nhằm:

a) Tăng trưởng kinh tế.

b) Cải thiện đời sống người lao động

c) Phát huy tính chủ động, sáng tạo của con người trong các thành phần kinh tế.

d) Cả a, b, c

3. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X nhấn mạnh đến vấn đề gì ?

a) Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho con người.

b) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

c) Tập trung nâng cao chất lượng dân số.

d) Phát triển số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.

PHẦN KẾT

Anh/chị đã đi tới bài cuối cùng của môn học. Xin chúc mừng! Tuy nhiên, để đóng góp phần quan trọng vào quá trình phát triển nguồn nhân lực của đất nước, bên cạnh việc nắm vững kiến thức của bài, anh/chị cũng cần phải thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức và tri thức bởi chính anh/chị là chủ thể của nguồn nhân lực.

Trong bài này, anh/chị đã học những nội dung chủ yếu:

- Những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về con người và bản chất con người; những đặc trưng của con người xã hội chủ nghĩa.

- Nguồn lực con người và vai trò của nó trong phát triển xã hội

- Nguồn lực con người Việt Nam và phương hướng, giải pháp nhằm phát huy nguồn lực con người Việt Nam trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Chúc anh/chị học tập đạt kết quả tốt !

CÂU HỎI SUY LUẬN

Vì sao nguồn lực con người lại là đề tài và vấn đề được quan tâm rất nhiều ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay?

ĐÁP ÁN

Phần 1: 1. c 2. b 3. e

Phần 2: 1. d 2. c 3. d

Phần 3: 1. d 2. c 3. b

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Giáo trình “Chủ nghĩa xã hội khoa học” dùng trong các trường đại học, cao đẳng (Tái bản lần thứ hai có sửa chữa và bổ sung), Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, tháng 8/2006.


Bản quyền thuộc Viện Đại học Mở Hà Nội

1 nhận xét:

edithemacchia nói...

Slot machines at Slots.lv - MapyRO
Slot machines 경주 출장안마 at Slots.lv. Find Slot machines and other games from 수원 출장마사지 the best slot 부천 출장안마 sites in Las Vegas, NV. 경상북도 출장샵 Make 나주 출장안마 a Budget and Play.