Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2008

CHƯƠNG IV CÁCH MẠNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

CHƯƠNG IV

CÁCH MẠNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Xin chào anh/chị!

Chúng tôi phấn khởi giới thiệu với anh/chị nội dung tiếp theo trong chương trình môn Chủ nghĩa xã hội khoa học. Bài này sẽ làm rõ cách mạng xã hội chủ nghĩa là gì, nguyên nhân làm xuất hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa; mục tiêu, nội dung và động lực của cuộc cách mạng này. Quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về lý luận cách mạng không ngừng và sự vận dụng của Đảng ta vào quá trình lãnh đạo cách mạng ở Việt Nam .

Bài gồm 3 phần chính:

Phần 1: Khái niệm và tính tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa

Phần 2: Mục tiêu, động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa

Phần 3: Lý luận cách mạng không ngừng và sự vận dụng của Đảng cộng sản Việt Nam

Mục tiêu chung:

Sau khi học xong chương này, anh/chị hiểu được tính tất yếu, mục tiêu, nội dung, động lực của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và lý luận về cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác-Lênin.

Mục tiêu cụ thể:

Sau khi học xong chương này, anh/chị hiểu được tính tất yếu, mục tiêu, nội dung, động lực của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, làm rõ được quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về lý luận cách mạng không ngừng, trên cơ sở đó, phân tích sự vận dụng quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin của Đảng ta về sự chuyển biến cách mạng không ngừng ở nước ta.

Sau khi học xong anh/chị sẽ ôn lại kiến thức của bài bằng cách trả lời những câu hỏi và làm bài tập ở cuối các phần và cuối bài học.

Thời gian dành cho bài là 90 phút.

PHẦN 1: KHÁI NIỆM VÀ TÍNH TẤT YẾU CỦA CÁCH MẠNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

GIỚI THIỆU

Phần này sẽ giới thiệu với các anh/chị khái niệm cách mạng xã hội chủ nghĩa và tính tất yếu để cách mạng xã hội chủ nghĩa diễn ra. Sau khi học xong phần này, anh chị hiểu rõ hơn: cách mạng xã hội chủ nghĩa khác gì với các cuộc cách mạng đã diễn ra trong lịch sử và nguyên nhân nào làm xuất hiện cuộc cách mạng này.

Anh/chị sẽ hoàn thành phần này trong vòng 30 phút.

NỘI DUNG

1.1. Khái niệm cách mạng xã hội chủ nghĩa

Cách mạng xã hội được hiểu theo hai nghĩa:

- Nghĩa rộng: là một quá trình cải biến cách mạng toàn diện, triệt để lâu dài, bao gồm hai giai đoạn:

+ Giai đoạn 1: bắt đầu từ khi giai cấp công nhân thông qua chính đảng của mình lãnh đạo nhân dân lao động dùng bạo lực đập tan nhà nước của giai cấp bóc lột, giành chính quyền, thiết lập nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

+ Giai đoạn 2: giai cấp công nhân sử dụng nhà nước của mình để làm công cụ cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới: xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Quá trình cải biến xã hội này chỉ kết thúc khi xã hội mới được tạo lập một cách vững chắc.

- Nghĩa hẹp: cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc đấu tranh chính trị, kết thúc bằng việc giai cấp công nhân giành được chính quyền, thiết lập chuyên chính vô sản hoặc còn được hiểu là sự chuyển biến từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa ở các nước thuộc địa sau khi giành độc lập.

1.2. Tính tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa

Là cuộc cách mạng do giai cấp công nhân tiến hành (tổ chức và lãnh đạo) nhằm xoá bỏ xã hội áp bức bất công, xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa, tiến tới xã hội cộng sản chủ nghĩa. Đây là một cuộc cách mạng triệt để, toàn diện, sâu sắc nhất trong lịch sử.

Cũng như các cuộc cách mạng xã hội đã từng diễn ra trong lịch sử, cách mạng xã hội chủ nghĩa là kết quả tất yếu của sự phát triển các mâu thuẫn và là con đường giải quyết mâu thuẫn trong lòng xã hội tư bản.

+ Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất đã đạt tới trình độ xã hội hoá cao với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất.

+ Mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân và nhân dân lao động bị áp bức với giai cấp tư sản.

+ Trong thời đại đế quốc chủ nghĩa xuất hiện thêm những mâu thuẫn: mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc với chủ nghĩa đế quốc. Mâu thuẫn giữa đế quốc với đế quốc.

Những mâu thuẫn này phát triển đến mức gay gắt đòi hỏi phải được giải quyết. Cách mạng xã hội chủ nghĩa nổ ra là tất yếu nhằm giải quyết những mâu thuẫn đó.

Cách mạng xã hội chủ nghĩa không thể diễn ra một cách tự phát mà là kết quả của quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chủ động, tạo ra tình thế chớp lấy thời cơ cho cách mạng nổ ra và giành thắng lợi.

Hiện nay, nhờ có cách mạng khoa học, công nghệ, chủ nghĩa tư bản ứng dụng những thành tựu mới của khoa học công nghệ trong sản xuất đã tạo ra bước nhảy vọt trong phát triển kinh tế. Điều đó đã góp phần giúp chủ nghĩa tư bản có điều kiện điều chỉnh những vấn đề xã hội, giúp chủ nghĩa tư bản tồn tại trong giới hạn của nó. Nhưng cũng chính sự phát triển ở mức độ cao đó, chủ nghĩa tư bản cũng đồng thời tạo ra những tiền đề vật chất quan trọng, ngày càng chín muồi cho cách mạng xã hội chủ nghĩa. Nó bộc lộ những mâu thuẫn vốn có của nó, nội tại của nó ngày càng sâu sắc hơn (lực lượng sản xuất ngày càng phát triển làm cho giai cấp công nhân tăng cả về số lượng, chất lượng - yếu tố quyết định đến sự tồn tại hay không tồn tại của chủ nghĩa tư bản; tệ nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt giàu nghèo...). Đây chính là những yếu tố khách quan phủ nhận chủ nghĩa tư bản thông qua cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.

BÀI TẬP

Anh chị hãy kiểm tra lại kiến thức của mình qua bài tập sau:

1. Cách mạng xã hội chủ nghĩa do ai tổ chức, lãnh đạo?

a) Giai cấp công nhân

b) Giai cấp nông dân

c) Tầng lớp trí thức

d) Cả 3 phương án trên

2. Cách mạng xã hội chủ nghĩa nổ ra là do:

a) Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất mang tính xã hội hóa cao với quan hệ sản xuất dựa trên chế độ tư hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa

b) Mâu thuẫn giữa người giàu với người nghèo

c) Mâu thuẫn giữa các dân tộc phát triển với các dân tộc kém phát triển

d) Mâu thuẫn giữa phương Nam với phương Bắc

PHẦN 2: MỤC TIÊU, ĐỘNG LỰC CỦA CÁCH MẠNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

GIỚI THIỆU

Phần này sẽ giới thiệu với các anh/chị về mục tiêu, động lực, nội dung của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Sau khi nghiên cứu phần này, các anh/chị hiểu được cách mạng xã hội chủ nghĩa nhằm mục tiêu gì, ai là lực lượng thực hiện và cách mạng xã hội chủ nghĩa có những nội dung nào?

Phần này các anh/chị nghiên cứu trong thời gian 30 phút.

NỘI DUNG

2.1. Mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa

Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình trong công thức duy nhất là xoá bỏ chế độ tư hữu. Tuy nhiên, xoá bỏ chế độ tư hữu chưa phải là mục tiêu cao nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa mà mục tiêu cao nhất cuả cuộc cách mạng này là giải phóng con người, giải phóng xã hội đưa lại hạnh phúc cho người lao động. Do đó, cùng với việc xoá bỏ chế độ tư hữu, giai cấp công nhân lãnh đạo nhân dân lao động lật đổ chế độ áp bức bóc lột, từng bước xoá bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện.

2.2. Động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa

Cách mạng xã hội chủ nghĩa là nhằm giải phóng tất cả những người lao động và do chính những người lao động thực hiện dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân thông qua Đảng của nó.

- Do mục đích của cách mạng xã hội chủ nghĩa và do địa vị kinh tế - xã hội của mình mà giai cấp công nhân là giai cấp giữ vai trò và động lực chủ yếu, vừa là người tổ chức và lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa.

- Ở các nước có nền kinh tế chậm phát triển, nông dân là chủ yếu thì giai cấp nông dân là một lực lượng cách mạng hết sức to lớn. Vì vậy, giai cấp công nhân liên minh với giai cấp nông dân hợp thành động lực trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và tiến trình cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trí thức là một bộ phận tiêu biểu cho trí tuệ của đất nước, có vai trò hết sức to lớn và là lực lượng quan trọng trong cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Động lực tổng hợp của cách mạng là khối liên minh công - nông - trí thức dặt dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân - người tổ chức xây dựng chiến lược, sách lược đúng đắn, biết giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa các lợi ích chung và riêng; quốc gia và quốc tế, lợi ích trước mắt và lâu dài theo hướng độc lập, tự do, dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

2.3. Những nội dung cơ bản của cách mạng xã hội chủ nghĩa

- Cách mạng xã hội chủ nghĩa là cuộc cách mạng có nội dung toàn diện, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội: chính trị, kinh tế, văn hoá và tư tưởng.

- Trên lĩnh vực chính trị, giai cấp công nhân phải tiến hành cách mạng chính trị để lật đổ sự thống trị của giai cấp bóc lột, giành chính quyền, thiết lập nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Đây là tiền đề có ý nghĩa quyết định cho việc thực hiện dân chủ cho đại đa số nhân dân lao động, mở đầu cho một quá trình cải biến cách mạng sâu sắc và triệt để nhất trong lịch sử.

+ Dân chủ hoá đời sống chính trị của xã hội nhằm khẳng định và tiếp tục mở rộng hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân lao động tạo tiền đề chính trị để đưa xã hội tới trạng thái mới.

+ Nâng cao ý thức dân chủ và khả năng thực hiện dân chủ của nhân dân lao động, thúc đẩy họ tham gia đông đảo và có hiệu quả vào quá trình cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.

- Cách mạng xã hội chủ nghĩa là một quá trình cải biến toàn diện xã hội cũ thành xã hội mới, trong đó công cuộc cải tạo kết hợp chặt chẽ với công cuộc xây dựng, mà xây dựng là chủ yếu. Cải tạo đóng vai trò như một phương tiện phục vụ cho mục tiêu xây dựng xã hội mới. Ngược lại, công cuộc xây dựng xã hội mới tạo điều kiện có ý nghĩa quyết định để triển khai công cuộc cải tạo.

- Trên lĩnh vực kinh tế: Đây là nội dung chủ yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa.

+ Tiến hành xoá bỏ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, xác lập sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất chủ yếu, phát triển lực lượng sản xuất trên cơ sở khoa học và công nghệ hiện đại. Từng bước nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân lao động thực hiện công bằng xã hội.

+ Xây dựng chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất là một quá trình phát triển kinh tế - xã hội lâu dài, qua nhiều bước, nhiều hình thức từ thấp đến cao. Phải từ thực tiễn mà tìm tòi, thử nghiệm để xây dựng chế độ sở hữu công cộng nói riêng và quan hệ sản xuất nói chung với những bước đi vững chắc.

- Trên lĩnh vực văn hoá tư tưởng, giai cấp công nhân tiến hành cuộc cách mạng trên lĩnh vực văn hoá tư tưởng, thực hiện sự cải biến căn bản trong đời sống tinh thần của xã hội theo hướng triệt để giải phóng nhân dân lao động khỏi mọi xiềng xích nô lệ về mặt tinh thần. Làm cho thế giới quan Mác-Lênin và nhân sinh quan cộng sản chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội. Tạo điều kiện để nhân dân lao động hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hoá hướng tới xây dựng một nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Mục tiêu cao nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa là giải phóng con người, giải phóng xã hội, đưa lại hạnh phúc cho người lao động. Cùng với việc xoá bỏ chế độ tư hữu, giai cấp công nhân lãnh đạo nhân dân lao động lật đổ chế độ tư bản, giành chính quyền về tay mình, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện.

BÀI TẬP

Anh/chị thực hiện bài tập sau:

1. Phương án nào dưới đây không phải là mục tiêu của cách mạng xã hội chủ nghĩa?

a) Giải phóng quần chúng nhân dân lao động khỏi mọi áp bức bất công

b) Giải phóng các dân tộc trên thế giới khỏi nghèo nàn, lạc hậu

c) Xoá bỏ chế độ tư hữu

d) Xoá bỏ chủ nghĩa tư bản

2. Động lực chủ yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa là:

a) Giai cấp công nhân

b) Giai cấp công nhân và giai cấp nông dân

c) Liên minh công - nông - trí thức

d) Cả 3 phương án trên

3. Nội dung nào là quan trọng nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa?

a) Xoá bỏ chế độ tư hữu, áp bức bóc lột tư bản chủ nghĩa

b) Xoá bỏ giai cấp thống trị

c) Xoá bỏ hệ tư tưởng lỗi thời

d) Xoá bỏ nhà nước thống trị

PHẦN 3: LÝ LUẬN CÁCH MẠNG KHÔNG NGỪNG VÀ SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

GIỚI THIỆU

Phần này giới thiệu với các anh/chị lý luận cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác-Lênin và việc vận dụng sáng tạo của Đảng ta vào điều kiện cụ thể ở Việt Nam . Học xong phần này, anh/chị hiểu rõ hơn cách mạng không ngừng có mấy giai đoạn và tính không ngừng thể hiện như thế nào? Ở Việt Nam tính không ngừng của cách mạng được Đảng cộng sản Việt Nam vận dụng, phát triển cụ thể như thế nào?

Phần này các anh/chị học trong thời gian 30 phút.

NỘI DUNG

3.1. Chủ nghĩa Mác-Lênin bàn về cách mạng không ngừng

- Chủ nghĩa Mác-Lênin coi cách mạng vô sản vừa mang tính liên tục, vừa có những giai đoạn tương đối rõ rệt: giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (hay cách mạng dân chủ tư sản kiểu mới do giai cấp công nhân lãnh đạo) và giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Hoàn thành giai đoạn cách mạng trước - giành chính quyền, giành lấy dân chủ cho nhân dân - không phải là mục tiêu cuối cùng, không được dừng lại nửa chừng mà phải tiếp tục “cách mạng không ngừng” - tức là chuyển ngay sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Giữa hai giai đoạn cách mạng không có sự ngăn cách tuyệt đối mà có quan hệ chặt chẽ, kế tiếp nhau một cách biện chứng: giai đoạn trước tạo những tiền đề và điều kiện cho giai đoạn sau. Giai đoạn sau vừa làm nhiệm vụ mới - trực tiếp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời hoàn thành nốt một số nhiệm vụ cụ thể của giai đoạn trước.

- Muốn thực hiện “cách mạng không ngừng” cần những điều kiện cơ bản là:

+ Giai cấp công nhân và Đảng của nó phải giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo cả hai giai đoạn cách mạng kế tiếp nhau liên tục.

+ Phải tổ chức được liên minh công - nông và các tầng lớp lao động khác dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, có những hoạt động tích cực và hiệu quả ở cả hai giai đoạn cách mạng trên mọi lĩnh vực của xã hội.

+ Giữ vững và thực hiện tốt “chuyên chính dân chủ nhân dân” (hay chuyên chính dân chủ cách mạng) để có điều kiện chuyển sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa với “chuyên chính vô sản” thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, tiến tới chủ nghĩa cộng sản.

3.2. Đảng Cộng sản Việt Nam vận dụng lý luận cách mạng không ngừng vào điều kiện nước ta

- Việt Nam thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam lãnh đạo là tất yếu lịch sử: Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin để phân tích mâu thuẫn ở nước ta gắn với thực tế lịch sử nêu trên. Mâu thuẫn có tính chất xã hội chủ nghĩa là giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản Việt Nam chưa nổi lên rõ rệt như mâu thuẫn có tính chất dân tộc giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với bọn đế quốc xâm lược và tay sai.

Do vậy, nhiệm vụ giành độc lập dân tộc và dân chủ cho nhân dân, nhất là nông dân nổi lên hàng đầu. Nhưng muốn giành độc lập dân tộc, giải quyết mâu thuẫn chủ yếu đang nổi lên hàng đầu cũng phải theo con đường cách mạng vô sản (tức là tổ chức cách mạng theo lập trường giai cấp công nhân, chủ nghĩa Mác-Lênin dẫn đường).

Từ đó hình thành đường lối cách mạng: trước hết làm cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (hay cách mạng giải phóng dân tộc), với mục tiêu “độc lập dân tộc, người cày có ruộng”. Sau đó tiến ngay lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đó là đường lối nhất quán: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

- Cách mạng Việt Nam chuyển từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân lên cách mạng xã hội chủ nghĩa là một tất yếu khách quan do vận dụng đúng đắn tư tưởng “cách mạng không ngừng” của chủ nghĩa Mác-Lênin, gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam và thời đại hiện nay.

- Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Hội nghị Quốc tế tại Giơnevơ (1954), Việt Nam tạm thời chia bị cắt làm hai miền. Miền Bắc do Đảng ta lãnh đạo đã chuyển ngay sang thời kỳ quá độ “bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” cũng là một tất yếu khách quan. Đồng thời Đảng ta tiếp tục lãnh đạo cách mạng miền Nam kiên trì đấu tranh để hoàn thành nốt cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến tới thống nhất tổ quốc (1975).

- Từ khi thống nhất Tổ quốc, Đảng lãnh đạo cả nước chuyển ngay vào “thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa”, tức là bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa... cũng là một tất yếu lịch sử của cả nước ta.

- Tất cả quá trình cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã thể hiện sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo “tư tưởng cách mạng không ngừng”, trong đó có quan điểm về sự chuyển tiếp hai giai đoạn cách mạng mà chủ nghĩa Mác-Lênin đã chỉ ra và đã thu được những thành quả rất lớn.

Đại hội X của Đảng cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh: Những thành tựu của 20 năm đổi mới chứng tỏ đường lối của đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp thực tiễn Việt Nam . Nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng sáng tỏ hơn; hệ thống quan điểm lý luận về công cuộc đổi mới, về xã hội xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã hình thành trên những nét cơ bản1.

BÀI TẬP

Để hiểu rõ hơn nội dung phần này, anh/chị hãy thực hiện bài tập dưới đây:

1. Thế nào là cách mạng không ngừng?

a) Là cuộc cách mạng giành chính quyền

b) Là cuộc cách giải phóng nhân dân lao động

c) Là cuộc cách mạng gồm hai giai đoạn kế tiếp nhau - giành chính quyền và xây dựng chủ nghĩa xã hội

d) Là cuộc cách mạng do giai cấp công nhân lãnh đạo

2. Tư tưởng cách mạng không ngừng tập trung nhất của Đảng ta ở mục tiêu nào?

a) Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

b) Giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người

c) Thực hiện tư sản cách mạng và thổ địa cách mạng

d) Đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa

PHẦN KẾT

Để củng cố kiến thức của bài học, chúng tôi muốn các anh/chị giành thời gian để ôn tập bài học trên những nội dung chính sau đây:

- Làm rõ được tính tất yếu, mục tiêu, nội dung, động lực của cách mạng xã hội chủ nghĩa;

- Chủ nghĩa Mác-Lênin đã quan niệm về lý luận cách mạng không ngừng như thế nào?

- Phân tích để thấy rõ Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng một cách sáng tạo lý luận cách mạng không ngừng để thực hiện nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam .

Chúc anh/chị đạt kết quả tốt!

CÂU HỎI SUY LUẬN

Hãy vận dụng tư tưởng của Mác-Lênin về cách mạng không ngừng để là rõ quan điểm của Đảng ta: Thực hiện cách mạng tư sản dân quyền, thổ địa cách mạng để tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa.

ĐÁP ÁN

Phần 1: 1a, 2a

Phần 2: 1b, 2a, 3a

Phần 3: 1c, 2a


1 Đảng cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2006, tr.68


Bản quyền thuộc Viện Đại học Mở Hà Nội

2 nhận xét:

Unknown nói...

cám ơn rât nhiều

Nặc danh nói...

Youtube vg games - vgvideo-mvideogames.com.ng
Themes: Classic Sega youtube mp3 Genesis; Sonic the Hedgehog 2; Golden Axe; Columns; Phantasy Star IV; Darius; Sonic the Hedgehog; Phantasy Star