Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2008

CHƯƠNG VIII CƠ CẤU XÃ HỘI - GIAI CẤP VÀ LIÊN MINH GIỮA CÔNG NHÂN

CHƯƠNG VIII

CƠ CẤU XÃ HỘI - GIAI CẤP VÀ LIÊN MINH GIỮA CÔNG NHÂN
VỚI NÔNG DÂN VÀ TRÍ THỨC TRONG QUÁ TRÌNH
XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Xin chào anh/chị học viên !

Rất hân hạnh gặp lại anh/chị trong bài 8. Bài này sẽ giới thiệu với anh/ chị những vấn đề lý luận cơ bản về cơ cấu xã hội - giai cấp; tính tất yếu và những nội dung căn bản của liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức (gọi tắt là liên minh công - nông - trí thức). Đây là vấn đề có tính nguyên tắc đối với những nước nông nghiệp có đông nông dân trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Bài gồm 3 phần chính:

Phần 1: Cơ cấu xã hội - giai cấp trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phần 2: Liên minh công - nông - trí thức trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội

Phần 3: Cơ cấu xã hội - giai cấp và liên minh công - nông - trí thức trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam .

Mục tiêu chung:

Sau khi học xong bài này, anh/chị sẽ hiểu được những lý luận chung về cơ cấu xã hội - giai cấp. Đồng thời, anh/chị sẽ hiểu rõ những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin về liên minh giai cấp và những nội dung liên minh cần phải thực hiện trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Mục tiêu cụ thể:

Sau khi học xong bài này, anh/chị sẽ:

- Giải thích được khái niệm cơ cấu xã hội - giai cấp và những xu hướng biến đổi của cơ cấu xã hội - giai cấp trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội

- Thấy rõ sự cần thiết phải thực hiện liên minh công - nông - trí thức, nhất là một ở nước nông nghiệp lạc hậu đi lên chủ nghĩa xã hội như Việt Nam .

- Nắm vững được những nội dung cần thực hiện trong liên minh công - nông - trí thức; từ đó trên cương vị công tác của mình, anh/ chị sẽ đóng góp phần quan trọng vào việc xây dựng và củng cố khối liên minh công - nông - trí thức ở nước ta.

Sau khi học xong, anh/chị sẽ ôn tập bằng cách trả lời những câu hỏi và làm bài tập cuối bài.

Thời gian dành cho bài này là 120 phút.

Chúc anh/chị đạt kết quả tốt !

PHẦN 1: CƠ CẤU XÃ HỘI - GIAI CẤP TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

GIỚI THIỆU

Phần này giới thiệu với anh/chị quan niệm về cơ cấu xã hội - giai cấp và những xu hướng biến đổi của nó trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sau khi hoàn thành phần này, anh/chị sẽ hiểu và giải thích được:

- Khái niệm và vị trí của cơ cấu xã hội - giai cấp trong cơ cấu xã hội

- Nắm vững những xu hướng biến đổi chủ yếu của cơ cấu xã hội - giai cấp trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Hy vọng rằng anh/chị sẽ hoàn thành phần này trong vòng 30 phút.

NỘI DUNG

1.1. Quan niệm về cơ cấu xã hội - giai cấp

1.1.1 Cơ cấu xã hội và cơ cấu xã hội - giai cấp

Ở phần này, anh/ chị cần phân biệt “cơ cấu xã hội” và “cơ cấu xã hội - giai cấp”.

- Cơ cấu xã hội là tất cả những cộng đồng người và toàn bộ các quan hệ xã hội do sự tác động lẫn nhau của các cộng đồng ấy tạo nên. Ví dụ như : cơ cấu xã hội - giai cấp, cơ cấu xã hội - dân số, cơ cấu xã hội - dân cư, cơ cấu xã hội - nghề nghiệp, cơ cấu xã hội - dân tộc, cơ cấu xã hội - tôn giáo, cơ cấu xã hội lứa tuổi v.v...

- Cơ cấu xã hội - giai cấp là hệ thống các giai cấp, tầng lớp xã hội và các mối quan hệ giữa chúng, cơ bản nhất là quan hệ về sở hữu các tư liệu sản xuất chủ yếu.

Dưới góc độ của môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, chúng ta chỉ nghiên cứu cơ cấu xã hội - giai cấp.

1.1.2 Vị trí của cơ cấu xã hội - giai cấp trong cơ cấu xã hội

+ Dựa vào các tiêu chí phân chia khác nhau, một con người có thể thuộc về nhiều cộng đồng khác nhau (ví dụ thuộc về một giai cấp, tầng lớp, một nhóm nghề nghiệp, một địa bàn cư trú, một dân tộc, một tôn giáo...).

+ Trong xã hội có giai cấp, cơ cấu xã hội - giai cấp là loại hình cơ cấu cơ bản và có vị trí quyết định nhất, chi phối và quyết định bản chất, xu hướng vận động của các loại hình cơ cấu xã hội khác, do nó liên quan đến mối quan hệ giai cấp, vốn là mối quan hệ quy định sự khác nhau về địa vị kinh tế, về quyền sở hữu tư liệu sản xuất, về tổ chức thu nhập và phân phối sản phẩm, do đó, nó có liên quan trực tiếp đến quyền lực chính trị.

+ Dựa trên cơ cấu xã hội - giai cấp, giai cấp cầm quyền sẽ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của mình trong từng giai đoạn cụ thể.

Tuy cơ cấu xã hội - giai cấp giữ vị trí quan trọng song không được tuyệt đối hóa nó, mà phải đặt nó trong mối quan hệ với các loại cơ cấu xã hội khác.

1.2. Xu hướng biến đổi cơ cấu xã hội - giai cấp trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội

1.2.1 Các xu hướng chủ yếu

Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, cơ cấu xã hội - giai cấp sẽ biến đổi theo những xu hướng chủ yếu sau đây:

- Xu hướng xích lại gần nhau giữa các giai cấp, tầng lớp trong xã hội về quan hệ với tư liệu sản xuất. Xu hướng này diễn ra do trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội vẫn còn tồn tại các thành phần kinh tế dựa trên các hình thức sở hữu khác nhau, song các thành phần kinh tế này tồn tại bên nhau, xích lại gần nhau để cùng phát triển và dần dần hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từ thấp đến cao.

- Xu hướng xích lại gần nhau về tính chất lao động giữa các giai cấp, tầng lớp. Xu hướng này diễn ra do việc ứng dụng những thành tựu của khoa học - công nghệ vào quá trình phát triển lực lượng sản xuất, làm cho sự khác biệt giữa các lực lượng trong xã hội ngày càng thu hẹp lại.

- Xu hướng xích lại gần nhau về mối quan hệ phân phối tư liệu tiêu dùng giữa các giai cấp và tầng lớp do trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, nguyên tắc phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế được thực hiện ngày càng tốt hơn.

- Xu hướng xích lại gần nhau về tiến bộ trong đời sống tinh thần của các giai cấp và tầng lớp. Xu hướng này thể hiện ở việc xoá bỏ dần sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động trí óc và lao động chân tay.

1.2.2 Những vấn đề có tính qui luật của sự biến đổi cơ cấu xã hội - giai cấp

- Sự biến đổi của cơ cấu xã hội - giai cấp được qui định bởi sự biến động cơ cấu kinh tế. Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội còn tồn tại các thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu khác nhau do đó tất yếu dẫn tới sự biến đổi liên tục, đa dạng, phức tạp và lâu dài trong cơ cấu xã hội - giai cấp.

- Cơ cấu xã hội - giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội biến động và phát triển trong mối quan hệ vừa mâu thuẫn với nhau, vừa liên minh với nhau, tiến tới xóa bỏ hiện tượng bất bình đẳng trong xã hội, đưa tới sự xích lại gần nhau giữa các giai cấp, tầng lớp cơ bản trong xã hội, đặc biệt là giữa công nhân, nông dân và trí thức.

- Xu hướng phát triển cơ cấu xã hội - giai cấp ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội mang tính đa dạng và thống nhất. Tính đa dạng thể ở việc còn tồn tại nhiều giai cấp, tầng lớp các nhóm xã hội khác nhau trong xã hội. Tính thống nhất thể hiện ở chỗ trong cơ cấu xã hội - giai cấp ấy, giai cấp công nhân đại biểu cho phương thức sản xuất tiên tiến giữ vai trò chủ đạo trong quá trình cải biến xã hội.

BÀI TẬP

Anh/chị hãy chọn phương án trả lời đúng bằng cách khoanh vào các chữ cái tương ứng

1. Cơ cấu xã hội - giai cấp là:

a) Tất cả những cộng đồng người và toàn bộ các quan hệ xã hội do sự tác động lẫn nhau của các cộng đồng ấy tạo nên.

b) Hệ thống các giai cấp, tầng lớp xã hội và các mối quan hệ giữa chúng.

c) Tất cả các giai cấp và tầng lớp trong xã hội

2. Cơ cấu xã hội- giai cấp có vị trí như thế nào trong hệ thống cơ cấu xã hội?

a) Có vị trí quan trọng nhất, chi phối các loại hình cơ cấu xã hội khác.

b) Là một loại hình trong hệ thống các loại hình cơ cấu xã hội.

c) Là một loại hình cơ cấu xã hội được xem xét dước góc độ quan hệ sản xuất.

3. Sự đa dạng và phức tạp của cơ cấu xã hội - giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội thể hiện ở:

a) Sự tồn tại của nhiều giai cấp, tầng lớp xã hội

b) Mối quan hệ vừa liên minh vừa đấu tranh giữa các giai cấp và tầng lớp.

c) Sự không thuần nhất của mỗi giai cấp, tầng lớp.

d) Sự biến động không ngừng của các giai cấp, tầng lớp.

e) Tất cả phương án trên

PHẦN 2: LIÊN MINH CÔNG - NÔNG - TRÍ THỨC TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

GIỚI THIỆU

Ở phần này chúng ta sẽ làm rõ vì sao đối với những nước nông nghiệp lạc hậu trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội lại phải thực hiện liên minh công - nông - trí thức. Để hiểu rõ điều này, anh/ chị cần nắm vững quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về liên minh giai cấp.

anh/chị sẽ hoàn thành phần này trong vòng 30 phút

NỘI DUNG

2.1. Tính tất yếu của liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức

- Khi tổng kết phong trào cách đấu tranh của giai cấp công nhân ở châu Âu thế kỷ XIX, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ ra rằng: cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại sự áp bức bóc lột của giai cấp tư sản sẽ không thể dành được thắng lợi nếu giai cấp công nhân không liên minh được với giai cấp nông dân và các tầng lớp lao động khác.

Kế thừa và phát triển những tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga sau cách mạng tháng 10 năm 1917, V.I.Lênin đã khẳng định sự cần thiết phải thực hiện liên minh giữa các giai cấp và các tầng lớp lao động, nhất là tầng lớp trí thức.

- Vận dụng sáng tạo tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng cộng sản Việt Nam đã nêu ra tư tưởng liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức ngay từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1951.

2.1.1 Tất yếu trên lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật

- Do quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội đặt ra yêu cầu khách quan phải gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp và khoa học - công nghệ để hình thành nền kinh tế thống nhất, tạo ra cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết cho chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, là một nước nông nghiệp lạc hậu xây dựng chủ nghĩa xã hội, nên nông dân chiếm số đông trong dân cư, do đó phải đặc biệt coi trọng phát triển nông nghiệp trong sự gắn bó khăng khít với công nghiệp và khoa học công nghệ.

- Đến lượt mình, khoa học - công nghệ cũng chỉ phát triển được khi nó hướng tới phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Từ yêu cầu khách quan của sản xuất như vậy nên các chủ thể của ba lĩnh vực này là nông dân, công nhân, trí thức cũng phải gắn bó, liên minh chặt chẽ với nhau để cùng thực hiện những nhu cầu và lợi ích chung của mình.

2.1.2 Tất yếu trên lĩnh vực chính trị - xã hội

- Để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, cần phải có lực lượng, trong đó, công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức là ba lực lượng không chỉ chiếm số đông trong dân cư, mà còn là lực lượng cơ bản để thực hiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, do đó phải thực hiện liên minh công - nông - trí thức để tạo thành cơ sở của nhà nước, của khối đại đoàn kết toàn dân. Song khối liên minh này phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng của giai cấp công nhân, điều này là do địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp công nhân qui định.

- Liên minh công - nông - trí thức là nhu cầu giữ vững vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, nhu cầu tự giải phóng của nông dân và nhu cầu phát triển của trí thức.

2.2. Nội dung của liên minh công - nông - trí thức

- Từ sự phân tích trên, có thể hiểu: liên minh công - nông - trí thức là sự hợp tác toàn diện giữa công nhân, nông dân và trí thức trong các mặt khác nhau của đời sống xã hội nhằm thực hiện những nhu cầu và lợi ích của mỗi lực lượng trong khối liên minh, cũng như vì lợi ích chung của cả ba lực lượng và vì lợi ích của đất nước, của dân tộc.

- Liên minh công - nông - trí thức bao gồm 3 nội dung cơ bản:

2.2.1 Nội dung kinh tế

Liên minh công - nông - trí thức được xây dựng nhằm thỏa mãn các nhu cầu và lợi ích kinh tế của công nhân, nông dân và trí thức.

2.2.2 Nội dung chính trị

- Liên minh công - nông - trí thức được xây dựng và củng cố vững chắc nhằm đảm bảo vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với toàn xã hội, nhằm tạo cơ sở vững chắc cho khối đại đoàn kết toàn dân để tạo ra sức mạnh vượt qua mọi khó khăn thử thách, đập tan âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

2.2.3 Nội dung văn hóa, xã hội

- Liên minh công - nông - trí thức nhằm xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong nội dung này, trí thức giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

BÀI TẬP

1. Liên minh giữa công nhân, nông dân, trí thức là:

a) Nguyên tắc cao nhất của chuyên chính vô sản.

b) Hình thức hợp tác giai cấp đặc biệt giữa công nhân với nông dân và trí thức trong cuộc đấu tranh lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.

c) Nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng vô sản.

2. Liên minh giai cấp công-nông-trí thức là hình thức:

a) Liên kết kinh tế giữa họ trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

b) Đấu tranh giai cấp rất gay gắt giữa họ.

c) Sự hợp tác kinh tế giữa thành thị với nông thôn.

d) Sự hợp tác giai cấp đặc biệt giữa họ trong cách mạng xã hội chủ nghĩa .

3. Trong khối liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức, giai cấp nào giữ vai trò lãnh đạo?

a) Giai cấp nông dân.

b) Giai cấp công nhân

c) Tầng lớp trí thức.

PHẦN 3: CƠ CẤU XÃ HỘI - GIAI CẤP VÀ LIÊN MINH CÔNG - NÔNG - TRÍ THỨC TRONG QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CNXH Ở VIỆT NAM

GIỚI THIỆU

Ở phần này chúng ta sẽ làm rõ đặc điểm của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức ở Việt Nam và những nội dung cơ bản của liên minh công - nông - trí thức trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Anh/chị sẽ hoàn thành phần này trong vòng 60 phút

NỘI DUNG

3.1. Cơ cấu xã hội - giai cấp trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

- Trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam còn tồn tại nhiều thành phần kinh tế dựa trên các loại hình sở hữu khác nhau, do đó tương ứng với nó là một cơ cấu giai cấp đa dạng, phức tạp, bao gồm các giai cấp, tầng lớp vừa liên minh, vừa đấu tranh với nhau.

- Hiện nay ở nước ta, cơ cấu giai cấp bao gồm: giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức, người sản xuất nhỏ, tầng lớp doanh nhân, trong đó, giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo xã hội. Nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động trở thành người làm chủ xã hội.

- Cùng với sự phát triển ổn định dần của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các giai cấp, tầng lớp sẽ biến đổi theo xu hướng xích lại gần nhau hơn, liên minh, hợp tác chặt chẽ, ổn định hơn.

- Trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, liên minh công - nông - trí thức là vấn đề có tính nguyên tắc và trở thành nền tảng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

3.2. Liên minh giữa giai cấp công nhân với nông dân và trí thức trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

3.2.1 Đặc điểm của giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức Việt Nam

* Đặc điểm của giai cấp công nhân:

- Giai cấp công nhân Việt Nam có những yếu tố của giai cấp công nhân hiện đại, đồng thời có những đặc điểm riêng:

+ Ra đời trước giai cấp tư sản Việt Nam nên có điều kiện sớm giữ vai trò lãnh đạo xã hội ngay từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời.

+ Phần lớn xuất thân từ nông dân nên gắn bó chặt chẽ với nông dân

+ Có truyền thống yêu nước và tinh thần dân tộc, gắn bó với dân tộc.

* Đặc điểm của giai cấp nông dân:

- Giai cấp nông dân là giai cấp của những người lao động sản xuất vật chất trong nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp...

- Phương thức sản xuất nhỏ, phân tán, kỹ thuật lạc hậu, năng suất lao động thấp.

- Nông dân là người lao động - đây là mặt cơ bản nhất và tích cực cần phải được phát huy trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, nông dân là người tư hữu nhỏ (vì họ có sở hữu tư liệu sản xuất nhỏ như ruộng đất, các tư liệu lao động) - Đây là mặt hạn chế cần phải khắc phục trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên tư hữu của người nông dân khác về bản chất so với tư hữu của các giai cấp thống trị bóc lột, vì nông dân không dựa trên tư hữu này để bóc lột các giai cấp, tầng lớp khác, mà chỉ để phục vụ cho chính cuộc sống của họ và gia đình họ.

- Giai cấp nông dân không có hệ tư tưởng riêng. Tư tưởng của họ phụ thuộc vào hệ tư tưởng của giai cấp thống trị xã hội.

- Trong một nước nông nghiệp, nông dân chiếm số đông và là lực lượng có khả năng cách mạng to lớn nếu giai cấp công nhân khéo tổ chức và khéo lãnh đạo.

* Đặc điểm của tầng lớp trí thức:

- Lao động của trí thức là lao động trí óc phức tạp và sáng tạo. Họ hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giảng dạy, văn học, nghệ thuật, lãnh đạo và quản lý. Sản phẩm lao động của trí thức có ý nghĩa quyết định đến năng suất, đến sự phát triển xã hội.

- Trí thức không có hệ tư tưởng riêng, nhưng có khả năng giúp giai cấp thống trị khái quát lý luận để hình thành hệ tư tưởng của giai cấp thống trị xã hội.

- Họ không có phương thức sản xuất riêng và địa vị kinh tế - xã hội độc lập.

- Trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, cùng với giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, trí thức cũng đóng góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng. ở nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam , trí thức đã có những đóng góp to lớn trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Ngày nay, khi khoa học - công nghệ ngày càng phát triển thì trí thức càng có vai trò quan trọng.

3.2.2 Nội dung cơ bản của liên minh công - nông - trí thức trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Trước khi tìm hiểu những nội dung cơ bản của liên minh công - nông - trí thức, anh/ chị cần nắm vững nguyên tắc cơ bản của liên minh: đó là sự kết hợp đúng đắn các lợi ích về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của các chủ thể trong khối liên minh.

· Nội dung chính trị của liên minh:

Thực hiện liên minh công - nông - trí thức là vì nhu cầu và lợi ích chính trị cao nhất của công nhân, nông dân, của trí thức và của cả dân tộc là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Trong quá trình thực hiện nội dung chính trị của liên minh, phải đảm bảo giữ vững lập trường chính trị - tư tưởng của giai cấp công nhân và khối liên minh này, đồng thời phải đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản của giai cấp công nhân đối với khối liên minh công - nông - trí thức.

Để thực hiện tốt nội dung chính trị của liên minh, cần phải từng bước xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

· Nội dung kinh tế của liên minh:

Trong số các nội dung của liên minh, đây là nội dung cơ bản và có ý nghĩa quyết định nhất. Nội dung kinh tế của liên minh được biểu hiện ở những điểm cơ bản sau:

- Xác định đúng tiềm lực kinh tếnhu cầu kinh tế của công nhân, nông dân, trí thức và toàn xã hội, từ đó mới có hướng đầu tư và tổ chức hoạt động kinh tế đúng, tránh sự đầu tư không có hiệu quả và lãng phí.

- Xác định đúng cơ cấu kinh tế (của cả nước, của ngành, địa phương, cơ sở sản xuất ...). Ví dụ Đảng ta xác định cơ cấu kinh tế chung của cả nước hiện nay là: công - nông nghiệp - dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với kinh tế tri thức. Điều này thể hiện rõ nội dung kinh tế của liên minh công - nông - trí thức, là môi trường và điều kiện để gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp với nông nghiệp và khoa học - công nghệ, từ đó tăng cường hơn nữa khối liên minh công - nông - trí thức.

- Tổ chức các hình thức giao lưu, hợp tác, liên kết kinh tế giữa công nghiệp - nông nghiệp - khoa học, công nghệ; giữa các ngành kinh tế; các thành phần kinh tế, các vùng kinh tế; giữa trong nước và quốc tế để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống cho công nhân, nông dân, trí thức và toàn xã hội.

- Đa dạng hoá các hình thức sở hữu trong công nghiệp, nông nghiệp, khoa học và công nghệ. Từng bước hình thành quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, trong đó, thực hiện công hữu hóa các tư liệu sản xuất chủ yếu và kinh tế Nhà nước phải vươn lên giữ vai trò chủ đạo và cùng kinh tế tập thể trở thành nền tảng kinh tế của nền kinh tế đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

- Chú trọng mối quan hệ giữa Nhà nước và nông dân thông qua hệ thống cơ quan nhà nước; hệ thống pháp luật và chính sách khuyến nông; hệ thống kinh tế nhà nước và hệ thống tổ chức hỗ trợ khuyến nông.

· Nội dung văn hoá, xã hội của liên minh:

Nội dung này bao gồm:

- Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái.

- Thực hiện xoá đói giảm nghèo; thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với công nhân, nông dân, trí thức; chăm sóc sức khoẻ nhân dân.

- Nâng cao dân trí là nội dung cơ bản, lâu dài tạo điều kiện cho liên minh phát triển vững chắc. Do vậy, phải phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao kiến thức về khoa học - công nghệ; chống các biểu hiện tiêu cực và tệ nạn xã hội.

- Xây dựng qui hoạch tổng thể về phát triển khu công nghiệp, khu đô thị phải gắn với đảm bảo phát triển nông thôn và nông nghiệp bền vững. Ví dụ: trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, việc lấy đất nông nghiệp để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, cơ sở hạ tầng là điều tất yếu, song phải gắn liền với giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

BÀI TẬP

Anh/chị hãy kiểm tra lại kiến thức của mình bằng cách đánh dấu vào phương án trả lời đúng trong các câu hỏi dưới đây:

1 Cơ cấu xã hội - giai cấp trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam có đặc điểm như thế nào?

a) Đa dạng và phức tạp.

b) Mâu thuẫn và thống nhất.

c) Đấu tranh và liên minh.

2. Trong các nội dung của liên minh công - nông - trí thức, nội dung nào là cơ bản và quyết định nhất ?

a) Chính trị

b) Kinh tế

c) Văn hoá, xã hội

3. Lợi ích chính trị cơ bản của công nhân, nông dân và trí thức ở Việt Nam :

a) Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

b) Giải phóng dân tộc.

c) Bình đẳng xã hội.

d) Công bằng xã hội.

4. Trong các lực lượng sau đây, lực lượng nào có hệ tư tưởng chính trị độc lập?

a) Giai cấp nông dân.

b) Giai cấp công nhân.

c) Đội ngũ trí thức.

5. Liên minh giữa công nhân, nông dân, trí thức Việt Nam trên lĩnh vực văn hoá - xã hội, thể hiện ở những nội dung nào sau đây?

a) Giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống, sáng tạo những giá trị văn hoá mới.

b) Xây dựng khu dân cư văn hoá, nhất là nông thôn mới.

c) Nâng cao dân trí

d) Bảo vệ sức khoẻ và nâng cao chất lượng cuộc sống

e) Cả a, b, c, d

PHẦN KẾT

Để nắm vững lý luận về liên minh công - nông - trí thức, cũng như góp phần vào việc củng cố khối liên minh ngày càng bền vững ở Việt Nam hiện nay, anh/chị cần nắm vững những nội dung chính của bài.

Ở bài này, anh/chị đã nghiên cứu các nội dung chính sau đây:

- Lý luận cơ bản về cơ cấu xã hội - giai cấp và cơ cấu xã hội - giai cấp ở nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

- Tính tất yếu phải thực hiện liên minh công - nông - trí thức trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Những nội dung cơ bản của liên minh công - nông - trí thức.

- Ở mỗi phần, chúng tôi đều có những bài tập nhằm giúp anh/chị tự kiểm tra kiến thức của mình.

Để giúp các anh/chị dễ dàng hơn khi học bài này, anh/chị nên xem lại bài “Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân”.

Câu hỏi suy luận: Vì sao trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, tầng lớp trí thức lại phải liên minh với nhau? Việc liên kết “4 nhà” ở nước ta hiện nay phản ánh những nội dung nào của khối liên minh công - nông - trí thức?

ĐÁP ÁN

Phần 1: 1. b 2. a 3. c

Phần 2: 1. b 2. d 3. b

Phần 3: 1. a 2. b 3. a 4. b 5. e


Bản quyền thuộc Viện Đại học Mở Hà Nội

Không có nhận xét nào: