Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2008

CHƯƠNG I VỊ TRÍ, ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG PHÁP, CHỨC NĂNG

CHƯƠNG I

VỊ TRÍ, ĐỐI TƯỢNG, PHƯƠNG PHÁP, CHỨC NĂNG
CỦA CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC

Xin chào anh/chị học viên!

Chương này sẽ trình bày về vị trí của môn Chủ nghĩa xã hội khoa học trong hệ thống của chủ nghĩa Mác-Lênin, đối tượng nghiên cứu và phạm vi khảo sát, ứng dụng của môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, phương pháp nghiên cứu đặc trưng cũng như chức năng, nhiệm vụ của môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, ý nghĩa nghiên cứu Chủ nghĩa xã hội khoa học trong giai đoạn hiện nay.

Chương gồm 2 phần chính (trong giáo trình của Bộ GD&ĐT xây dựng thành 4 nội dung, ở đây chúng tôi gộp lại 2 nội dung)

Phần 1: Vị trí, đối tượng và phương pháp nghiên cứu của môn Chủ nghĩa xã hội khoa học

Phần 2: Chức năng, nhiệm vụ của môn Chủ nghĩa xã hội khoa học, ý nghĩa nghiên cứu môn Chủ nghĩa xã hội khoa học

Mục tiêu chung

Sau khi học xong chương này, anh/chị có thể thấy rõ được tính thống nhất, tính chỉnh thể của chủ nghĩa Mác-Lênin gồm 3 bộ phận cơ bản, mỗi bộ phận có vị trí, chức năng, nhiệm vụ riêng, cụ thể. Chủ nghĩa xã hội khoa học là một trong 3 bộ phận đó có phương pháp, đối tượng nghiên cứu khác với Triết học, Kinh tế - chính trị học, do vậy nghiên cứu Chủ nghĩa xã hội khoa học có ý nghĩa đặc biệt trên giác độ chính trị - xã hội.

Mục tiêu cụ thể

Sau khi học xong chương này, anh/chị có thể hiểu được vị trí của Chủ nghĩa xã hội khoa học trong chỉnh thể chủ nghĩa Mác-Lênin; đối tượng, phương pháp nghiên cứu của Chủ nghĩa xã hội khoa học có những điểm khác với hai bộ phận còn lại trong chủ nghĩa Mác-Lênin; nhiệm vụ, chức năng của môn Chủ nghĩa xã hội khoa học và ý nghĩa nghiên cứu Chủ nghĩa xã hội khoa học trong giai đoạn hiện nay. Trên cơ sở đó giúp cho mỗi người học hiểu rõ, đầy đủ và đúng đắn hơn về tính khoa học, tính thống nhất và tính cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin cũng như nhiệm vụ của chúng ta trong việc bảo vệ, vận dụng, phát triển sáng tạo học thuyết Mác-Lênin nói chung, Chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng vào điều kiện của đất nước hiện nay.

Sau khi học xong anh/chị sẽ ôn tập bằng cách trả lời những câu hỏi và làm bài tập cuối bài.

Thời gian dành cho bài này là 90 phút.

Hy vọng anh/chị sẽ đạt kết quả tốt!

PHẦN 1: VỊ TRÍ, ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU CỦA MÔN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI KHOA HỌC

GIỚI THIỆU

Phần này giới thiệu với anh/chị khái niệm Chủ nghĩa xã hội khoa học, vị trí, đối tượng của môn Chủ nghĩa xã hội khoa học trong hệ thống chỉnh thể của chủ nghĩa Mác-Lênin và phương pháp nghiên cứu cụ thể của Chủ nghĩa xã hội khoa học.

Sau khi hoàn thành phần này, anh/chị có thể hiểu và phân biệt được:

- Khái niệm, đặc trưng của môn Chủ nghĩa xã hội khoa học.

- Trong hệ thống chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học có vị trí như thế nào so với Triết học và Kinh tế - chính trị học.

Thời gian cho phần này là 60 phút.

NỘI DUNG

1.1. Khái niệm, đặc trưng của môn Chủ nghĩa xã hội khoa học

Ở phần này, các anh/chị cần hiểu được khái niệm, đặc trưng của Chủ nghĩa xã hội khoa học và phân biệt nó với khái niệm chủ nghĩa xã hội.

Theo nghĩa rộng: Chủ nghĩa xã hội khoa học là một học thuyết khoa học luận giải tính tất yếu và yêu cầu tất yếu của việc giải phóng hoàn toàn con người, trước hết là đại đa số nhân dân lao động khỏi áp bức, bóc lột, bất công. Theo nghĩa này, V.I.Lênin đã nhấn mạnh: Chủ nghĩa xã hội khoa học đó chính là chủ nghĩa Mác (chủ nghĩa Mác-Lênin). Bởi vì, mục đích cuối cùng của chủ nghĩa Mác-Lênin (cả 3 bộ phận) là làm cách mạng xã hội chủ nghĩa thông qua sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân để xây dựng thành công một chế độ xã hội tốt đẹp, khác về chất so với các chế độ đã có trước đó: không còn áp bức, bất công, nhân dân lao động trở thành người làm chủ xã hội.

Theo nghĩa hẹp: Chủ nghĩa xã hội khoa học là một trong ba bộ phận hợp thành chủ nghĩa Mác-Lênin (Triết học, Kinh tế - chính trị học, Chủ nghĩa xã hội khoa học), làm cho chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành hệ thống và chỉnh thể. Chủ nghĩa xã hội khoa học dựa trên phương pháp luận triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử; đồng thời cũng dựa trên những cơ sở lý luận khoa học về các quy luật kinh tế, quan hệ kinh tế... để nghiên cứu, luận giải một cách khoa học quy luật chính trị - xã hội của quá trình đấu tranh đi đến thủ tiêu chủ nghĩa tư bản và xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Nghĩa là về quá trình nảy sinh cách mạng xã hội chủ nghĩa, hình thành và phát triển hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, gắn liền với sứ mệnh lịch sử có tính toàn thế giới của giai cấp công nhân hiện đại, nhằm giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Chủ nghĩa xã hội khoa học có đặc trưng cơ bản là nghiên cứu những quy luật có tính chính trị - xã hội nhằm chỉ rõ con đường thủ tiêu chế độ bóc lột giữa người với người và cách thức tổ chức xây dựng chế độ mới không còn tình trạng trên. Chính vì thế, Chủ nghĩa xã hội khoa học là thế giới quan, hệ tư tưởng chính trị của giai cấp công nhân và Đảng cộng sản.

1.2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu môn Chủ nghĩa xã hội khoa học

Đối tượng: Triết học Mác-Lênin nghiên cứu quy luật chung nhất của tự nhiên, xã hội và tư duy, kinh tế - chính trị học Mác-Lênin nghiên cứu quy luật các quan hệ kinh tế, nhất là những quy luật kinh tế trong chế độ tư bản chủ nghĩa và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội khoa học nghiên cứu những quy luật và tính quy luật chính trị - xã hội của quá trình hình thành, phát triển hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa; con đường, hình thức, phương pháp đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân nhằm thủ tiêu mọi chế độ áp bức bóc lột và xây dựng xã hội mới (chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản).

Các phạm trù cơ bản (nội dung) mà Chủ nghĩa xã hội khoa học nghiên cứu là: giai cấp công nhân và sứ mệnh lịch sử của nó; vai trò của Đảng cộng sản; thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; cơ cấu giai cấp và liên minh công - nông - trí thức; vấn đề dân tộc, tôn giáo, gia đình, con người... trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và trong chủ nghĩa xã hội; thời đại ngày nay.

Phương pháp nghiên cứu Chủ nghĩa xã hội khoa học bao gồm phương pháp chung của chủ nghĩa Mác-Lênin (chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử) và phương pháp đặc trưng của Chủ nghĩa xã hội khoa học: lịch sử kết hợp với lôgíc; khảo sát và phân tích; liên ngành; tổng kết lý luận từ thực tiễn...

BÀI TẬP

Anh/chị hãy chọn phương án trả lời đúng bằng cách khoanh vào các chữ cái (a, b, c, ...)

1. Chủ nghĩa xã hội khoa học là:

a) Một phạm trù lịch sử

b) Một học thuyết lý luận khoa học

c) Quy luật vận động của xã hội

d) Chủ nghĩa Mác

2. Đối tượng nghiên cứu của Chủ nghĩa xã hội khoa học là:

a) Quy luật vận động chung của xã hội

b) Quy luật chính trị - xã hội từ chủ nghĩa tư bản lên CN cộng sản.

c) Quy luật phát triển của xã hội

d) Xây dựng thế giới quan khoa học, hệ tư tưởng chính trị cho giai cấp công nhân

PHẦN 2: CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA MÔN CNXHKH VÀ Ý NGHĨA NGHIÊN CỨU CNXHKH TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

GIỚI THIỆU

Phần này giới thiệu với anh/chị chức năng, nhiệm vụ của Chủ nghĩa xã hội khoa học ; ý nghĩa nghiên cứu Chủ nghĩa xã hội khoa học hiện nay

Sau khi hoàn thành phần này, anh/chị có thể hiểu và nắm được:

- Chức năng, nhiệm vụ của Chủ nghĩa xã hội khoa học

- Vì sao phải nghiên cứu môn Chủ nghĩa xã hội khoa học hiện nay.

Thời gian cho phần này là 30 phút.

NỘI DUNG

2.1. Chức năng, nhiệm vụ của Chủ nghĩa xã hội khoa học

- Chủ nghĩa xã hội khoa học trang bị những tri thức khoa học (hệ thống lý luận chính trị - xã hội, phương pháp luận khoa học) về tính tất yếu lịch sử của sự ra đời, phát triển hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa; trực tiếp nhất là trang bị lý luận nhận thức về cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

- Chủ nghĩa xã hội khoa học trực tiếp giáo dục, trang bị lập trường chính trị, tư tưởng cho Đảng cộng sản, giai cấp công nhân và nhân dân lao động - đó là lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ nghĩa xã hội khoa học còn trực tiếp định hướng về chính trị - xã hội cho mọi hoạt động của giai cấp công nhân, của Đảng cộng sản, của Nhà nước và toàn thể nhân dân lao động nhằm thực hiện tốt quá trình thủ tiêu chế độ áp bức bóc lột và xây dựng xã hội mới.

- Nghiên cứu Chủ nghĩa xã hội khoa học hiện nay là nhiệm vụ cơ bản quan trọng của Đảng cộng sản và giai cấp công nhân vì đó là thế giới quan và nền tảng tư tưởng chính trị giúp Đảng cộng sản, giai cấp công nhân xây dựng cương lĩnh, chiến lược, sách lược đúng đắn. Chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ trở thành hệ thống hoàn chỉnh khi có đầy đủ ba bộ phận và được nghiên cứu một cách khoa học.

2.2. Ý nghĩa của việc nghiên cứu chủ nghĩa xã hội khoa học

1- Giúp cho chúng ta thấy được tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, chủ nghĩa xã hội khoa học nói riêng. Đó là, nó được khái quát từ phong trào công nhân, phát triển gắn với thực tiễn phong trào công nhân. Điều này đã làm cho Chủ nghĩa xã hội khoa học khác về chất so với tất cả các dạng chủ nghĩa xã hội trước đó. Nó khoa học bởi vì nó đã tìm ra con đường để giải phóng xã hội loài người khỏi mọi áp bức, bóc lột, bất công bằng việc khẳng định: Giai cấp công nhân phải giành lấy chính quyền, sử dụng chính quyền đó để tổ chức xây dựng một xã hội tương lai ấm no, hạnh phúc cho nhân dân lao động, và rằng, xã hội tương lai đó chỉ có thể tồn tại được trên một nền sản xuất đại công nghiệp.

2- Giúp cho chúng ta tin tưởng vào thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, tin tưởng vào sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Trước những biến động sâu sắc của thế giới nói chung và của hệ thống xã hội chủ nghĩa nói riêng đã có không ít người hoang mang, dao động, hoài nghi vào tính khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa xã hội khoa học. Một bộ phận trong số họ đòi xét lại chủ nghĩa Mác-Lênin. Nghiên cứu chủ nghĩa xã hội khoa học sẽ củng cố niềm tin vào tính khoa học và cách mạng của học thuyết này. Việc Liên Xô, các nước XHCN Đông Âu sụp đổ không thể nói là chủ nghĩa xã hội sụp đổ, mà chỉ là sự sụp đổ của những nhà nước XHCN cụ thể đó, do các Đảng Cộng sản phủ nhận những nội dung cơ bản của chủ nghĩa xã hội; Đã có lúc vận dụng không đúng đắn và thiếu sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cuộc sống, cũng như chậm tổng kết những bài học từ thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội để bổ sung phát triển đường lối, chính sách, phát triển lý luận; Duy trì quá lâu một “mô hình tổ chức xã hội” có nhiều điểm không phù hợp với tư tưởng nhân đạo xã hội chủ nghĩa và thực tiễn cuộc sống; Coi nhẹ, hoặc phủ nhận đấu tranh giai cấp, thiết chế dân chủ nặng nề về hình thức, chưa đảm bảo cho nhân dân lao động thực sự làm chủ mọi mặt đời sống xã hội; Chậm chễ trong cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, coi nhẹ công tác xây dựng Đảng và đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội.

Những khuyết tật mang tính giáo điều, chủ quan, duy ý chí, quan liêu, xa rời quần chúng đó đã làm cho tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội không được phát huy đầy đủ, cuối cùng rơi vào khủng hoảng toàn diện. Không thể lấy những sai lầm, khuyết tật ấy mà quy về cho CNXH, chủ nghĩa Mác-Lênin. Ngoài những nguyên nhân nêu trên còn phải kể đến âm mưu phá hoại của một số kẻ phản bội và cơ hội. Thêm vào đó là sự chống phá điên cuồng của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước. Do vậy, nghiên cứu chủ nghĩa xã hội khoa học càng giúp cho chúng ta thấy được những khiếm khuyết, thiếu sót để có thể tránh được trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

3- Giúp cho chúng ta có căn cứ để khẳng định con đường cách mạng Việt Nam do Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam và nhân dân ta lựa chọn là đúng đắn và tất yếu sẽ đi tới thắng lợi. Đó là con đường duy nhất có cơ sở thực tiễn, khách quan và phù hợp về cả lý luận và thực tiễn để Đảng và nhân dân ta lựa chọn nếu nhân dân Việt Nam mong muốn xây dựng một xã hội không còn áp bức, bất công, có cuộc sống tự do, hạnh phúc. Đồng thời, nghiên cứu chủ nghĩa xã hội khoa học sẽ giúp cho chúng ta lựa chọn những bước đi, biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với điều kiện khách quan của Việt Nam và có như vậy mới giành được thắng lợi.

Do đó, các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, trong đó có Việt Nam nếu kiên trì với chủ nghĩa xã hội, vận dụng đúng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa xã hội khoa học thì mới thực hiện được hai nhiệm vụ chiến lược bảo vệ và xây dưng Tổ quốc XHCN, tạo ra sự ổn định và phát triển bền vững. Nghiên cứu chủ nghĩa xã hội khoa học một cách nghiêm túc, sẽ có lập trường chính trị và nhận thức khoa học vững vàng để vừa góp phần xây dựng, bảo vệ tổ quốc, vừa chủ động chống lại mọi âm mưu của kẻ thù và những tiêu cực của xã hội.

Sinh viên, học sinh nghiên cứu Chủ nghĩa xã hội khoa học sẽ có nhận thức đúng hơn về con đường phát triển của đất nước, có niềm tin vào chủ nghĩa xã hội được củng cố, từ đó góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

BÀI TẬP

Anh/chị hãy chọn phương án trả lời đúng nhất bằng cách khoanh vào các chữ cái (a, b, c, ...)

1- Chủ nghĩa xã hội khoa học có chức năng cơ bản nào?

a) Chủ nghĩa xã hội khoa học trang bị kiến thức khoa học cho Đảng cộng sản.

b) Chủ nghĩa xã hội khoa học trang bị kiến thức lý luận khoa học về chính trị - xã hội và phương pháp khoa học cho Đảng cộng sản, giai cấp công nhân.

c) Chủ nghĩa xã hội khoa học trang bị lập trường chính trị, thế giới quan khoa học, đó là chủ nghĩa Mác-Lênin cho Đảng cộng sản, giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

d) Cả b và c

2- Nghiên cứu nghiêm túc chủ nghĩa xã hội khoa học trong tình hình hiện nay để:

a) Khẳng định tính khoa học, cách mạng đúng đắn của học thuyết Mác-Lênin

b) Khẳng định tính đúng đắn con đường mà Hồ Chí Minh và nhân dân đã lựa chọn cho dân tộc Việt Nam

c) Cả a và b

d) Làm rõ ba bộ phận hợp thành của chủ nghĩa Mác-Lênin

PHẦN KẾT

Sau khi anh/chị hoàn thành bài tập ở phần 2, để ghi nhớ sâu hơn những kiến thức cơ bản của bài này, anh/chị cần tập trung nghiên cứu vào một số nội dung chính của bài:

- Chủ nghĩa Mác-Lênin gồm mấy bộ phận và Chủ nghĩa xã hội khoa học được hiểu như thế nào, có vị trí như thế nào trong đó? Nó có mối liên hệ như thế nào với các bộ phận còn lại?

- Chủ nghĩa xã hội khoa học có chức năng, nhiệm vụ gì ? Ngày nay vì sao chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu một cách nghiêm túc lý luận Chủ nghĩa xã hội khoa học?

Chúc anh/chị đạt kết quả tốt !

CÂU HỎI SUY LUẬN:

Anh/chị hãy làm rõ luận điểm sau: Từ khi học thuyết chủ nghĩa xã hội khoa học ra đời, chủ nghĩa Mác-Lênin trở thành một chỉnh thể thống nhất. Ngày nay, vì sao chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu một cách nghiêm túc lý luận Chủ nghĩa xã hội khoa học?

ĐÁP ÁN

Phần 1: 1b, 2b

Phần 2: 1d, 2c


Bản quyền thuộc Viện Đại học Mở Hà Nội

Không có nhận xét nào: