Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2008

CHƯƠNG VI XÃ HỘI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

CHƯƠNG VI

XÃ HỘI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Xin chào anh/chị!

Chúng tôi sẽ cùng anh/chị nghiên cứu chuyên đề Xã hội xã hội chủ nghĩa. Bài này giới thiệu giai đoạn thấp của hình thái kinh tế - xã hội Cộng sản chủ nghĩa - giai đoạn chủ nghĩa xã hội, cụ thể về tính tất yếu, đặc điểm và các giai đoạn của chủ nghĩa xã hội.

Bài này gồm 3 phần chính:

Phần 1: Hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa

Phần 2: Đặc trưng cơ bản của các giai đoạn trong hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa

Phần 3: Quan niệm về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Mục tiêu chung:

Sau khi học xong chương này, anh/chị có thể hiểu được quan niệm chung của Chủ nghĩa Mác-Lênin về hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa.

Mục tiêu cụ thể:

Sau khi học xong, anh/chị có thể hiểu rõ được những đặc điểm cơ bản của xã hội xã hội chủ nghĩa và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; phân tích được những đặc điểm cơ bản của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, từ đó thấy được cơ sở khoa học, thực tiễn của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là đúng đắn và hợp lý.

Sau khi học xong, anh chị dành thời gian để ôn tập bằng cách trả lời câu hỏi sau mỗi nội dung và bài tập cuối bài.

Thời gian dành cho bài này là 150 phút.

PHẦN 1: HÌNH THÁI KINH TẾ - XÃ HỘI CỘNG SẢN CHỦ NGHĨA

GIỚI THIỆU

Phần này sẽ giới thiệu với các anh/chị khái niệm hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, nguyên nhân ra đời và các giai đoạn của hình thái kinh tế - xã hội này. Sau khi học xong, anh chị hiểu rõ hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa ra đời trong những điều kiện nào? Trong hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa gồm mấy giai đoạn, đặc trưng của từng giai đoạn.

Phần này anh/chị nghiên cứu trong thời gian 45 phút.

NỘI DUNG

1.1. Khái niệm và tính tất yếu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa

- Hình thái kinh tế-xã hội cộng sản chủ nghĩa là một trong 5 hình thái kinh tế - xã hội trong lịch sử xã hội loài người do C.Mác - Ph.Ăngghen luận giải và xây dựng. Đây là chế độ xã hội phát triển cao nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại cho tới hiện nay, trong đó quan hệ sản xuất dựa trên chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất, lực lượng sản xuất ngày càng phát triển, nhà nước của nhân dân và nhân dân làm chủ xã hội.

- Tính tất yếu: Hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa ra đời là do trong lòng chủ nghĩa tư bản tồn tại hai mâu thuẫn cơ bản về kinh tế và về xã hội. Hai mâu thuẫn này không thể giải quyết triệt để trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản:

Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng phát triển không ngừng với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất.

Mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân (những người làm ra của cải vật chất chủ yếu cho xã hội) với giai cấp tư sản (những người hưởng lợi chính trong xã hội).

Ngoài hai mâu thuẫn cơ bản trên, chủ nghĩa tư bản trong quá trình phát triển cũng đã gây ra nhiều thảm hoạ cho con người: chiến tranh, khủng bố, xung đột dân tộc, ô nhiễm môi trường, nghèo đói...

Tất cả những lý do trên dẫn tới một cuộc cách mạng xã hội do giai cấp công nhân - người đại diện cho phương thức sản xuất mới - lãnh đạo. Sau khi giành thắng lợi, giai cấp công nhân thiết lập một phương thức sản xuất mới tiến bộ hơn phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, đó là phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa và hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa ra đời.

Ở các nước chưa trải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, sự ra đời của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa còn có lý do sau:

Mâu thuẫn giữa dân tộc bị áp bức, phụ thuộc với chủ nghĩa thực dân và đế quốc tay sai ngày càng sâu sắc.

Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ngày càng phát triển mạnh do được trang bị lý luận khoa học, cách mạng, đó là chủ nghĩa Mác-Lênin.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới - nhà nước Xô Viết - là tấm gương điển hình cổ vũ nhân dân các dân tộc thuộc địa làm cách mạng giải phóng dân tộc.

1.2. Phân kỳ của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa

- Sự hình thành và phát triển của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa là một quá trình biện chứng, trải qua các giai đoạn từ thấp đến cao, phụ thuộc vào các yếu tố cơ bản hợp thành xã hội, trong đó xét đến cùng yếu tố quyết định là trình độ phát triển của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất.

- Theo Mác, hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa chia thành 2 giai đoạn:

+ Giai đoạn đầu (giai đoạn vừa thoát thai từ xã hội tư bản chủ nghĩa).

+ Giai đoạn cao (chủ nghĩa cộng sản phát triển trên những cơ sở của chính nó).

- Lênin kế thừa và phát triển tư tưởng của Mác, hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, Lênin quan niệm:

+ Những cơn đau đẻ kéo dài (thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội).

+ Giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa.

+ Giai đoạn cao của xã hội cộng sản chủ nghĩa.

- Trên cơ sở lý luận và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, từ những kết quả nghiên cứu, tổng kết thực tiễn quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta có thể quan niệm quá trình phát triển của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa trải qua:

+ Thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

+ Giai đoạn đầu - xã hội xã hội chủ nghĩa.

+ Giai đoạn cao - xã hội cộng sản chủ nghĩa.

- Thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội bắt đầu từ khi chính quyền đã thuộc về giai cấp công nhân và nhân dân lao động mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức, do Đảng Cộng sản lãnh đạo - “là thời kì cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kì ấy là một thời kỳ quá độ chính trị và nhà nước của thời kì ấy không thể là cái gì khác hơn là chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”.

- Xã hội xã hội chủ nghĩa là giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, là kết quả trực tiếp của thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội, khi đã xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế, chính trị, tư tưởng - văn hoá của xã hội này.

+ Tuy vậy xã hội xã hội chủ nghĩa vẫn là xã hội cộng sản chủ nghĩa chưa đầy đủ, do vẫn còn chứa đựng những dấu vết xã hội cũ, nguyên tắc phân phối theo lao động chưa cho phép mọi người có quyền ngang nhau trong việc hưởng thụ những sản phẩm do xã hội làm ra, do đó, ở mức độ nào đó tình trạng bất bình đẳng xã hội vẫn còn tồn tại.

- Xã hội cộng sản chủ nghĩa là giai đoạn cao của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa với những đặc trưng cơ bản:

+ Hình thành sở hữu toàn dân duy nhất đối với tư liệu sản xuất.

+ Tạo ra năng suất lao động cao.

+ Phân phối của cải trong xã hội theo nhu cầu.

+ Không có phân biệt giai cấp.

+ Sự khác biệt căn bản giữa tư tưởng và nhận thức, giữa lao động chân tay và trí óc sẽ mất đi.

+ Cá nhân được giải phóng, được phát triển toàn diện.

BÀI TẬP

Anh/chị làm bài tập sau đây bằng cách chọn đáp án đúng, khoanh vào chữ cái.

1. Lý do nào sau đây không phải là nguyên nhân ra đời của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa?

a) Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ chiếm hữu tư nhân

b) Mâu thuẫn giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản

c) Mâu thuẫn giữa đế quốc với đế quốc

d) Chủ nghĩa tư bản gây ra chiến tranh, khủng bố, ô nhiễm môi trường

2. Ở các nước chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa ra đời bởi lý do nào?

a) Mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân với giai cấp địa chủ

b) Mâu thuẫn giữa người nghèo và người giàu

c) Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc bị áp bức, phụ thuộc với chủ nghĩa thực dân và tay sai phong kiến

d) Mâu thuẫn giữa thực dân với thực dân

PHẦN 2: ĐẶC TRƯNG CƠ BẢN CỦA XÃ HỘI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

GIỚI THIỆU

Phần này sẽ giới thiệu với các anh/chị đặc trưng của giai đoạn xã hội xã hội chủ nghĩa trong hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Sau khi học xong, các anh/chị sẽ nắm chắc được các đặc trưng cơ bản của giai đoạn xã hội xã hội chủ nghĩa trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội.

Phần này các anh/chị nghiên cứu trong thời gian 30 phút.

NỘI DUNG

Giai đoạn xã hội xã hội chủ nghĩa là giai đoạn đầu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, là kết quả trực tiếp của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, khi đã xây dựng xong về cơ bản những cơ sở kinh tế, chính trị, tư tưởng - văn hoá của xã hội này. Tuy vậy xã hội xã hội chủ nghĩa vẫn là xã hội cộng sản chủ nghĩa chưa đầy đủ, do vẫn còn chứa đựng những dấu vết của xã hội cũ, nguyên tắc phân phối theo lao động chưa cho phép mọi người có quyền ngang nhau trong việc hưởng thụ những sản phẩm do xã hội làm ra, do đó, ở mức độ nào đó tình trạng bất bình đẳng xã hội vẫn còn tồn tại. Đặc trưng cơ bản của giai đoạn này là:

- Trên lĩnh vực chính trị:

Vẫn còn sự khác biệt giai cấp (trong đó có cả giai cấp bóc lột), do đó, nhà nước vẫn còn tồn tại - nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân do Đảng cộng sản lãnh đạo và có chức năng cưỡng bức, kể cả trấn áp bằng bạo lực đối với giai cấp bóc lột (nhà nước chuyên chính vô sản). Đó là nhà nước của đại đa số nhân dân lao động đảm bảo quyền làm chủ cho nhân dân.

- Trên lĩnh vực kinh tế:

+ Cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội là nền sản xuất công nghiệp hiện đại.

+ Chủ nghĩa xã hội là xã hội xoá bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.

+ Chủ nghĩa xã hội tạo ra cách tổ chức lao động và kỷ luật lao động mới: chặt chẽ, có kế hoạch và kỷ luật tự giác, tự nguyện.

+ Chủ nghĩa xã hội thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động: Làm theo năng lực, hưởng theo lao động.

- Trên lĩnh vực xã hội:

+ Chủ nghĩa xã hội giải phóng con người khỏi mọi áp bức, bóc lột, thực hiện sự bình đẳng xã hội, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện

BÀI TẬP

Anh/chị hãy kiểm tra lại kiến thức của mình bằng cách làm bài tập sau đây.

1. Đặc trưng nào dưới đây không phải của giai đoạn xã hội Xã hội chủ nghĩa?

a) Nhà nước của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản

b) Nhân dân lao động được giải phóng khỏi mọi áp bức, bóc lột

c) Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu

d) Chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu được thiết lập

PHẦN 3: QUAN NIỆM VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ THỜI KỲ QUÁ ĐỘ LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

GIỚI THIỆU

Phần này sẽ giới thiệu với các anh/chị chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam được quan niệm như thế nào? Sau khi học xong, anh/chị có thể phân biệt được điểm giống và khác nhau về các đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở nước ta so với quan niệm chung về chủ nghĩa xã hội như phần trên đã trình bày. Đặc biệt, các anh/chị sẽ được trang bị những cơ sở khoa học để phân tích con đường đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa ở nước ta.

Thời gian dành cho phần này là 75 phút.

NỘI DUNG

3.1. Đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở nước ta

Tại Đại hội X, Đảng cộng sản Việt Nam đã nêu 8 đặc trưng của chủ nghĩa xã hội mà nhân dân ta xây dựng1, đó là:

- Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh

- Do nhân dân làm chủ

- Có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất

- Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

- Con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện

- Các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ

- Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản

- Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới

3.2. Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta

Tính tất yếu

Việt Nam quá độ lên chủ nghĩa xã hội từ một nước thuộc địa nửa phong kiến, nền kinh tế phổ biến là sản xuất nhỏ, lạc hậu bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là sự lựa chọn có tính lịch sử, phù hợp với điều kiện tình hình của đất nước, phù hợp với nguyện vọng của quần chúng nhân dân lao động.

1 - Về mặt lý luận:

- Chủ nghĩa Mác-Lênin đã luận giải sự ra đời của 5 hình thái kinh tế - xã hội từ thấp đến cao là quá trình “lịch sử tự nhiên” xét theo toàn bộ lịch sử nhân loại, do lực lượng sản xuất mâu thuẫn với quan hệ sản xuất. Tuy nhiên, đối với mỗi nước, thực tế lịch sử nhân loại cũng cho thấy: không phải nước nào cũng lần lượt trải qua 5 hình thái đó, do lịch sử cụ thể mỗi nước gắn với những điều kiện của thời đại. Ví dụ đã có những nước “bỏ qua” một vài chế độ để lên chế độ cao hơn như: Nga, Ba Lan, Đức... từ nguyên thuỷ “bỏ qua chế độ nô lệ” lên chế độ phong kiến. Nước Mỹ, “bỏ qua chế độ phong kiến” mà từ chế độ nô lệ “lên thẳng” chủ nghĩa tư bản v.v... Do vậy, chúng ta bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa lên chủ nghĩa xã hội cũng không phải nằm ngoài lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin.

2 - Về mặt thực tiễn:

- Trước khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, đã có một số sĩ phu yêu nước cũng đã ra đi tìm đường cứu nước (Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh). Tuy nhiên, chưa có ai tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, do con đường họ lựa chọn không phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội và lịch sử Việt Nam . Chỉ khi, Hồ Chí Minh được tiếp cận Luận cương về vấn đề dõn tộc của Lênin, được vũ trang bởi chủ nghĩa Mác-Lênin thì con đường giải phóng dân tộc mới đem lại kết quả - giải phóng dân tộc khỏi mọi áp bức bất công. Do vậy, sự lựa chọn con đường phát triển bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa là đúng đắn.

- Chủ nghĩa tư bản, tuy đã có nhiều điều chỉnh về mặt lợi ích, giải quyết có hiệu quả về phát triển kinh tế, cũng như một số vấn đề xã hội, tuy nhiên, bản chất của chế độ áp bức bóc lột thì không thay đổi. Quyền lực kinh tế nằm tong tay các tập đoàn tư bản, quyền lực chính trị chỉ giành cho thiểu số. Nền kinh tế vẫn dựa trên chế độ tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất; khoảng cách giàu nghèo vẫn tiếp tục doãng ra; phân biệt màu da, chủng tộc chưa được khắc phục; nhiều tệ nạn xã hội chưa được giải quyết; khủng bố, gây chiến tranh vẫn đang là vấn đề nan giải... Do vậy, chủ nghĩa tư bản không phải là một xã hội mà tương lai của loài người muốn đạt tới.

- Từ khi chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, khủng hoảng kinh tế, xã hội ở các nước này diễn ra ngày trầm trọng hơn. Đời sống nhân dân chậm được cải thiện, mafia gia tăng, xã hội rối loạn, nhiều giá trị tốt đẹp bị đảo lộn; an ninh, trật tự không được đảm bảo... cũng đang là bài học cho chúng ta khi lựa chọn con đường phát triển và tất yếu đây không phải là con đường mà nhân dân ta lựa chọn.

3 - Điều kiện cần thiết:

Cho phép chúng ta lựa chọn con đường lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, đó là: chúng ta đã có Đảng cộng sản lãnh đạo, nhà nước của dân, do dân, vì dân, khối liên minh công - nông - trí thức. Chúng ta đã xây dựng được một số cơ sở kinh tế nhà nước và tập thể; nhân dân Việt Nam cần cù, yêu nước và yêu chuộng hoà bình.

Do vậy, Việt Nam “bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa” là tất yếu khách quan.

Nội dung:

Thực chất của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là sự nghiệp khó khăn, lâu dài, phức tạp với nhiều chặng đường, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội có tính chất quá độ. Trong các lĩnh vực của đời sống xã hội diễn ra sự đan xen và đấu tranh giữa cái mới và cái cũ.

Về chính trị: không ngừng củng cố và hoàn thiện nhà nước của giai cấp công nhân, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam , thực hiện lấy dân làm gốc. Lợi ích của giai cấp công nhân thống nhất với lợi ích dân tộc trong sự nghiệp chung: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức. Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng cộng sản trong sạch, vững mạnh.

Về kinh tế: phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, kinh tế Nhà nước đóng vai trò chủ đạo cùng với kinh tế tập thể hợp thành nền tảng kinh tế quốc dân. Sử dụng nhiều hình thức sở hữu (nhà nước, tập thể, tư nhân). Từng bước hiện đại hoá lực lượng sản xuất và phát triển quan hệ sản xuất phù hợp. Thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Về xã hội: Nâng cao hiệu quả việc bảo đảm quyền công dân, quyền con người: giải quyết việc làm, chăm lo xoá đói giảm nghèo; khắc phục dần sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, sự khác biệt giữa các tầng lớp xã hội, giữa các dân tộc và giữa các vùng của đất nước; từng bước giải phóng con người khỏi những quan hệ thiếu lành mạnh nhằm tiến tới mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Về văn hoá: Nền văn hoá mới với thế giới quan Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội; chấp nhận sự khác nhau về ý kiến, về thế giới quan, nhưng về hành động thì tất cả phải tuân thủ pháp luật. Khắc phục những tư tưởng lạc hậu, bảo thủ, xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại.

Phương hướng xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội

Năm 1991, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Đảng ta đã xác định phương hướng xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam như sau2:

- Xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa, Nhà nước của dân, do dân, vì dân, lấy liên minh giai cấp công nhânvới giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng, do Đảng cộng sản lãnh đạo, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, giữ nghiêm kỷ cương xã hội, chuyên chính với mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và của nhân dân

- Phát triển lực lượng sản xuất, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước là nhiệm vụ trung tâm, nhằm từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, không ngừng nâng cao năng suất lao động và cải thiện đời sống nhân dân

- Phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất, thiết lập từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa từ thấp đến cao với đa dạng về hình thức sở hữu. Phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế quốc dân và kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Thực hiện nhiều hình thức phân phối, lấy phân phối theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế là chủ yếu.

- Tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trên lĩnh vực tư tưởng - văn hoá làm cho thế giới quan Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội. Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những tinh hoa văn hoá nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người với trình độ tri thức, đạo đức và thẩm mỹ ngày càng cao. Chống tư tưởng, văn hoá phản tiến bộ, trái với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và những giá trị cao quý của loài người, trái với phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội.

- Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất, tập hợp mọi lực lượng phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh. Thực hiện chính sách đối ngoại hoà bình, hợp tác hữu nghị với tất cả các nước.

- Thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc

- Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm cho Đảng làm tròn trách nhiệm lãnh đạo sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

BÀI TẬP

Anh/chị hãy làm bài tập dưới đây để củng cố kiến thức của phần này

1. Đặc trưng nào dưới đây không phải là đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa do nhân dân ta xây dựng được ghi trong văn kiện Đại hội X ?

a) Do nhân dân lao động làm chủ

b) Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân

c) Có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

d) Con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện

2. Đặc trưng nào dưới đây không phải là đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa do nhân dân ta xây dựng được ghi trong văn kiện Đại hội X ?

a) Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh

b) Do nhân dân làm chủ

c) Có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất dựa trên chế độ công hữu về những tư liệu sản xuất chủ yếu

d) Có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới

3. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta là quá độ bỏ qua:

a) Giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa

b) Tư bản chủ nghĩa

c) Chế độ tư bản chủ nghĩa

d) Hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa

PHẦN KẾT

Nghiên cứu chủ đề này có ý nghĩa rất lớn đối với thực tiễn Việt Nam hiện nay. Do vậy, chúng tối đề nghị các anh/chị tập trung ôn tập theo một số nội dung chính sau đây: tính tất yếu của hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa; cách phân kỳ của hình thái này có bước phát triển như thế nào. Vì sao khi đi lên chủ nghĩa xã hội, tất cả các nước đều phải thực hiện thời kỳ quá độ? Ở nước ta, sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa do những lý do khách quan, chủ quan nào và làm rõ đặc điểm thời kỳ quá độ của nước ta hiện nay.

CÂU HỎI SUY LUẬN

Tại Đại hội IX Đảng ta chỉ rõ: “Con đường đi lên của nước ta là sự phát triển quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, tức là bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng tư bản chủ nghĩa, nhưng tiếp thu, kế thừa những thành tựu mà nhân loại đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa đặc biệt về khoa học và công nghệ để phát triển nhanh lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại”. Hãy làm rõ luận điểm trên.

ĐÁP ÁN

Phần 1: 1c, 2c

Phần 2: 1c

Phần 3: 1a, 2c, 3c



1 Đảng cộng sản Việt Nam , Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb.CTQG, H.2006, tr.17 - 18

2 Đảng Cộng sản Việt Nam , Cương lĩnh xây dựng đất nước trong TKQĐ lên CNXH, Nxb.Sự thật, H.1991, tr.9-11


Bản quyền thuộc Viện Đại học Mở Hà Nội

Không có nhận xét nào: